Do thời tiết những ngày đầu xuân tương đối thuận lợi giúp bà con nông dân đảm bảo đủ các điều kiện gieo cấy nên tiến độ gieo cấy lúa đông xuân trong toàn tỉnh nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước. Các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình đã cơ bản cấy xong trước ngày 20-2. Riêng các huyện phía Nam tỉnh như Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô do tập quán canh tác và tiểu vùng khí hậu khác nên xuống đồng gieo cấy lúa xuân muộn hơn nhưng đến ngày 25-2 các địa phương trên cũng đã cơ bản hoàn tất khâu sản xuất này. Như vậy, nếu so với lịch thời vụ chung của vùng đồng bằng sông Hồng thì Ninh Bình đã về đích sớm trước thời hạn quy định từ 3-10 ngày.
Xác định khâu chăm sóc, bảo vệ lúa là yếu tố quyết định để đảm bảo cho vụ đông xuân thắng lợi nên với những diện tích sau cấy, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền hướng dẫn nông dân chăm bón, làm cỏ, bón phân cân đối, đúng kỹ thuật, điều tiết nước hợp lý và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng dịch hại, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Đến ngày 27-2, toàn tỉnh đã chăm sóc đợt 1 cho 13.970 ha lúa, đạt 34% diện tích gieo cấy, đồng thời đánh bắt, bẫy bả tiêu diệt được trên 874 nghìn con chuột.
Về huyện Kim Sơn, một trong những vùng lúa trọng tâm của tỉnh, khắp các cánh đồng đã được phủ kín bởi màu xanh của lúa, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc cung cấp dinh dưỡng, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Bà Đỗ Thị Mai, thôn 3, xã Xuân Thiện cho hay: Vụ sản xuất này, gia đình bà cấy 1,5 mẫu ruộng, hoàn thành gieo cấy ngay từ mùng 10 Tết. Do thời tiết ấm nên cỏ dại nhiều hơn mọi năm, vì vậy cả gia đình phải tập trung xuống đồng làm cỏ, bón thêm đạm urê để lúa đẻ nhánh khỏe.
Đồng chí Lưu Văn Đông, Chủ nhiệm HTX Xuân Thiện cho biết: Những ngày này, tranh thủ nắng ấm bà con nông dân đang xuống đồng tập trung làm cỏ, chăm bón cho lúa xuân. Vụ xuân năm nay, xã Xuân Thiện gieo cấy 214 ha lúa, trong đó cơ cấu chủ lực bằng các loại giống lúa thuần chất lượng cao như Bắc thơm số 7, LT2. Mặc dù đầu vụ gặp khó khăn về thời tiết do rét đậm nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của ngành Nông nghiệp huyện nên các trà mạ đều được chăm sóc, bảo vệ chu đáo và phát triển tốt. Lúa sau cấy gặp thời tiết thuận lợi đều bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh khỏe. Trên đồng ruộng chưa xuất hiện sâu bệnh, tuy nhiên tình hình thời tiết nắng ấm, ẩm nhiều kết hợp với cơ cấu giống lúa của HTX có tới già nửa là các giống lúa chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh kém, do đó tình hình sâu bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, đòi hỏi HTX không được lơ là, chủ quan, phải thường xuyên cử cán bộ của tổ BVTV bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh, khuyến cáo cho bà con xã viên để kịp thời phun trừ.
Với mục tiêu phấn đấu đạt năng suất 62 tạ/ha, sản lượng 42 nghìn tấn trở lên trong vụ đông xuân này, huyện Gia Viễn đã có nhiều giải pháp cụ thể, trong đó xây dựng cơ cấu trà lúa, giống lúa hợp lý; triển khai công tác làm thủy lợi nội đồng, làm đất ngay sau khi thu hoạch lúa mùa và cây vụ đông..., do vậy toàn bộ diện tích 6.900 ha lúa của huyện đã được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Đã có trên 150 ha sử dụng hình thức gieo xạ. Sau gieo cấy, huyện Gia Viễn đã chỉ đạo các đơn vị và bà con nông dân tập trung ngay vào công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trong việc điều tiết nước tưới, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình chủ động điều tiết nước hợp lý theo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng, đảm bảo mực nước trên mặt ruộng, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, đạt số dảnh hữu hiệu cao. Tập trung bón thúc, bón cân đối, đủ lượng theo quy trình hướng dẫn. Để làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, phòng Nông nghiệp & PTNT kết hợp với Trạm BVTV huyện tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở, các HTX nông nghiệp tổ chức dịch vụ cung ứng thuốc BVTV đảm bảo chủng loại, chất lượng tốt cho các hộ xã viên. Đồng thời phát động nhân dân tăng cường thăm đồng, bắt ốc bươu vàng, phát động nhân dân diệt chuột đợt 2 sau khi cấy xong. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa ngoài đê tránh lũ tiểu mãn, diện tích lúa-cá đã được chăm sóc xong đợt 1; với diện tích lúa xuân muộn trong đồng bà con đang tập trung kiểm tra, tỉa dặm, khi nắng ấm lên tiến hành bón thúc lần 1.
Qua kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh cho thấy, hiện nay trên đồng ruộng đã xuất hiện một số loại sâu bệnh: rêu nhớt gây hại cục bộ trên các trà lúa cấy sớm, đặc biệt trên những chân ruộng chua, trũng; ốc bươu vàng gây hại cục bộ trên các trà lúa ngay sau cấy, một số nơi có mật độ cao như Yên Mô, Nho Quan; ngoài ra bệnh đạo ôn, lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân lúa hai chấm cũng đang hại rải rác.
Đặc biệt, chuột tiếp tục hại tăng trên tất cả các trà lúa, nhất là ở những ruộng cạn nước, ven gò, ven làng, quy mô và mức độ hại cao hơn cùng kỳ năm 2012. Dự báo trong thời gian tới, nếu thời tiết thuận lợi kết hợp với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn lá có khả năng lây lan và gây hại trên các trà lúa. Do đó, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo các đơn vị và nhân dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, diễn biến dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng, đặc biệt chú ý đến 2 đối tượng là bệnh đạo ôn và chuột hại.
Các địa phương cần phát động toàn dân tham gia diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó sử dụng biện pháp thủ công là chính. Đối với bệnh đạo ôn, cần theo dõi thường xuyên khi phát hiện ruộng bị bệnh cần dừng bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm hoặc phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá. Tiến hành phun trừ khi ruộng có tỷ lệ bệnh lớn hơn hoặc bằng 1/3 số lá bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Katana 20 SC, Kabim 30WP, Fujione 40 WP, những ruộng bị nặng phải phun kép hai lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Bài, ảnh: Hà Phương