Qua 3 năm thực hiện phong trào "Dân vận khéo", các cấp công đoàn trong tỉnh đã đăng ký xây dựng đợt đầu 20 mô hình, nhân rộng được 5 mô hình trong năm thứ 2, trong đó có 6 mô hình trên lĩnh vực kinh tế, 13 mô hình về văn hóa - xã hội,…
Năm 2013 LĐLĐ tỉnh đã chọn điểm chỉ đạo mô hình cấp tỉnh tại LĐLD huyện Gia Viễn về "Công tác tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng tại địa phương" được thực hiện tại CĐCS xã Gia Xuân. Kết quả đã vận động được 177 hộ gia đình chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và bàn giao mặt bằng đường Quốc lộ 1A cho đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. Năm 2014 LĐLD tỉnh chọn mô hình cấp tỉnh tại CĐCS Công ty TNHH may mặc Excel Việt Nam (Yên Khánh) về xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp để triển khai thực hiện. Ngoài ra có nhiều mô hình đã hoạt động hiệu quả như mô hình "Quỹ tương trợ giúp nhau làm kinh tế" của công đoàn ngành giáo dục với tổng số quỹ hơn 1.600 triệu đồng, mô hình xây dựng đời sống văn hóa ở doanh nghiệp tại CĐCS công ty may Thịnh Lộc… Đặc biệt LĐLĐ huyện Kim Sơn đã chỉ đạo điểm mô hình "thực hành tiết kiệm chống lãng phí" tại CĐCS xã Hùng Tiến với nội dung cụ thể như thực hiện tiết kiệm 20% chi thường xuyên trong nguồn kinh phí hoạt động được cấp và các nguồn huy động thêm (đảm nhận công tác vệ sinh cơ quan). Trong thực hành tiết kiệm điện thắp sáng, Công đoàn đã đề xuất các vị trí lắp đặt chiếu sáng hợp lý, sử dụng bóng tiết kiệm điện, quy định sử dụng điện hợp lý ở các phòng làm việc vì vậy đã giảm mức chi phí từ 1.800.000 đồng/tháng xuống còn bình quân 1.150.000 đồng/tháng. Thực hành tiết kiệm trong công tác bảo quản và sử dụng máy vi tính đã nâng cao ý thức của cán bộ công chức khi sử dụng máy vì vậy hạn chế việc sửa chữa máy, thiết bị làm việc, tiết kiệm văn phòng phẩm, nhất là sử dụng triệt để 2 mặt giấy. Vận động 11 đoàn viên công đoàn đóng góp xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với mức đóng góp 1 triệu đồng/tháng. Từ năm 2013 đến nay nguồn quỹ đã huy động được trên 250 triệu đồng, số tiền này được cho các đoàn viên có nhu cầu vay để mua sắm, phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của đoàn viên giúp họ yên tâm công tác.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong thời gian qua cũng được gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. ở đó vai trò của CĐCS, đoàn viên các xã được thể hiện rất rõ từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch, tuyên truyền vận động đến gương mẫu trong việc hiến đất, góp công, góp của… đã góp phần tích cực vào kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Có thể kể đến một số điển hình như LĐLD huyện Yên Mô đã chỉ đạo, hướng dẫn 17/17 CĐCS các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, vận động cán bộ công chức và bà con nhân dân hiến đất làm đường, thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. LĐLĐ huyện Nho Quan vận động bảo vệ môi trường ở 16 xã vùng giáp ranh với Vườn quốc gia Cúc Phương…
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" của tổ chức công đoàn còn được thể hiện rõ trong việc tuyên truyền, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; các cấp công đoàn đã kịp thời nắm bắt tình hình CNVCLĐ, nhất là ở các khu công nghiệp. Chủ động phối hợp, vận động người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật và có những chế độ đảm bảo tốt hơn cho người lao động. Trong 3 năm qua LĐLĐ đã chủ động và phối hợp tham gia giải quyết 16 vụ ngừng việc và tranh chấp lao động tại các đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình an ninh tại địa phương.
Đào Duy