Buổi sáng ngày Đoàn hẹn về, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan khác hẳn với vẻ bình lặng, im ắng thường ngày, bởi sự háo hức, mong chờ của những thương, bệnh binh đã tập trung tại hội trường lớn từ khá sớm. Mỗi người mang trong mình một tâm sự, một suy nghĩ, nỗi niềm mỗi khi tháng bảy về.
Bác Bùi Hạnh Phúc, thương binh 85% chia sẻ: Mỗi khi đến dịp tháng 7, chúng tôi lại nôn nao với những kỷ niệm thời quân ngũ, thương nhớ da diết những đồng đội cũ, có người đã ngã xuống trong thời chiến, nhưng có người cũng đã ra đi trong thời bình do tuổi già, bệnh tật.
Hôm nay, được các cán bộ, bác sỹ Trung tâm thông báo có Đoàn của ca sỹ Quách Mai Thy - cô ca sỹ có ông ngoại cũng đang điều dưỡng, chăm sóc ở Trung tâm, nên chúng tôi vui lắm, dậy từ sớm và đến đây chờ Đoàn về…
Dù đã được thông báo trước là khoảng 9 giờ Đoàn mới về đến Trung tâm, nhưng mới 8 giờ, các thương, bệnh binh và nhiều nạn nhân da cam đã tập trung đông đủ, nghiêm chỉnh áo quần, trật tự ngồi tại hội trường chờ đón Đoàn. hơn 9 giờ Đoàn về đến Trung tâm. Giây phút gặp gỡ thật xúc động bởi không chỉ có các thương, bệnh binh ngóng chờ mà còn có ông bà ngoại ca sĩ Quách Mai Thy, bố mẹ cô và nhiều người thân ở xã Đồng Phong cũng đến từ sớm để chia sẻ niềm vui, ủng hộ cô thực hiện chương trình ý nghĩa này.
Ca sỹ Quách Mai Thy chia sẻ: Em nung nấu, suy nghĩ để làm chương trình này từ lâu lắm rồi, nhưng do dịch bệnh COVID-19, mọi việc đã không được như ý muốn, từ quy mô chương trình đến những phần quà tặng. Nhưng em suy nghĩ quan trọng nhất là tấm lòng của mình nên vẫn quyết tâm làm trong tháng 7 này- tháng cả xã hội tri ân các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ. Em cũng muốn góp một phần tình cảm, những suất quà tặng bé nhỏ cho các thương, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm.
Quách Mai Thy cho biết: Tuổi thơ của em gắn liền với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan vì nhà em ở đối diện với Trung tâm. Hơn nữa, ông ngoại em cũng là một người lính, xông pha nơi chiến trường và bị thương tật 81%. Thời gian ông ở Trung tâm điều trị nhiều hơn ở nhà.
Bà ngoại kể rằng, ông ngoại em, do chiến tranh nên thất lạc gia đình, không còn nhớ nổi quê mình ở đâu. Ra ngoài này được đưa về Trung tâm Điều dưỡng rồi gặp bà ngoại, bà thương ông không nơi nương tựa, nên quyết định lấy một người thương tật làm chồng, dù biết cuộc sống sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vất vả…
Em nhớ hồi còn nhỏ, ông ngoại bế em đi chơi, rồi cả người ông cứng đơ, ngã vật xuống đường, tay vẫn ôm ghì em thật chặt. Em sợ quá khóc toáng lên vì đau và sợ khi thấy ông lên cơn co giật vì vết thương chiến tranh trên đầu.
Cứ mỗi lần ông lên cơn như vậy, em đều thấy sợ chạy đi chỗ khác rồi khóc, chỉ dám đứng từ xa nhìn lén mọi người xúm lại lo cho ông. Lớn lên, hiểu ra em thương ông hơn. Em cũng nhớ có một ông tên là Hồi, ở trong Trung tâm, nhìn mặt ông rất hiền, tay một bên bị quặp lại run rẩy, chân thì đi tập tễnh.
Thi thoảng ông hay đi qua trước cửa nhà em, gặp tụi trẻ con đang chơi thì dừng lại ngồi xuống kể chuyện ông đi chiến tranh. Lúc ấy còn trẻ con, tụi em nhao nhao hỏi đủ mọi thứ trên đời: Nào là "tay ông làm sao mà bị như thế ạ", rồi "ông ơi, đi chiến tranh là như thế nào ạ?"…
Để rồi nghe ông kể về chiến tranh thật sợ hãi, với tiếng gầm rú của bom đạn, những bữa ăn thiếu đói, những người bạn của ông đã hy sinh hoặc mang thương tật như ông… Và còn nhiều thương binh khác nữa-người thì bị thương tật trên thân thể nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, có người thì không còn sự minh mẫn nữa…
Họ không phải người thân thích trong gia đình em, nhưng những con người ấy lại rất gắn bó với tuổi thơ của em. Em chứng kiến nhiều cụ không thể chống lại được bệnh tật, đã lần lượt ra đi, có cụ không có người thân nhận về mai táng… Biết bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu với các bác, các cụ thương, bệnh binh, để bây giờ mỗi lần nghĩ đến, nước mắt vẫn rưng rưng..."
Chứng kiến những "nỗi buồn" hậu chiến tranh ấy, Quách Mai Thy thấy mình thật may mắn vì được sinh ra và lớn lên ở thời bình, được ở gần Trung tâm Điều dưỡng thương binh, biết được hoàn cảnh đáng thương, chứng kiến những đau đớn, khổ sở bởi vết thương bom đạn mà họ đã và đang trải qua. Em đã nhủ lòng mình, sau này khi lớn lên, sẽ cố gắng làm được điều gì đó có ý nghĩa, tri ân sự hy sinh lớn lao của những người thương binh đang điều dưỡng tại nơi này… Đến bây giờ, Trung tâm chỉ còn 71 cụ đang điều trị, hầu hết đã già yếu…
Chiến tranh đã lùi xa và mỗi người lính cũng đã già đi theo năm tháng. Cùng với bệnh tật, họ có thể ra đi bất cứ lúc nào, nên ca sĩ Quách Mai Thy cho biết, em không đợi được thời gian, quyết định làm một chương trình nhỏ, bằng tình cảm và sự trân trọng của mình, tri ân ông ngoại và các đồng đội của ông đang sinh sống và chữa bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan.
Chương trình tri ân diễn ra xúc động với những cái ôm thật chặt, những bài hát do các ca sỹ trẻ biểu diễn sôi nổi, hào hùng, như gợi lại ký ức oanh liệt, vinh quang, đầy tự hào, khiến những người lính năm xưa như cuốn theo điệu nhạc, hứng khởi vỗ tay, cùng hát vang theo những bài hát của "một thời hoa lửa". Không khí tại hội trường Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, nhưng cũng chứa đựng nhiều tâm tư, những giọt nước mắt xúc động…
Cùng với chương trình văn nghệ hát tặng các thương, bệnh binh, ca sỹ Quách Mai Thy và Đoàn thiện nguyện cũng đã có những phần quà ý nghĩa tặng các thương, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm.
Cùng với 8 máy lọc nước, 90 suất quà (mỗi suất gồm tiền mặt và đồ dùng thiết yếu như khăn mặt, dầu gió, áo phông, lương khô, bánh xà phòng thiên nhiên, bình đựng nước/pha thuốc… trị giá gần 500 nghìn đồng mỗi suất), với tổng giá trị trên 70 triệu đồng, đã được trao tận tay cho các đối tượng, động viên thiết thực về tinh thần và vật chất cho các đối tượng tại Trung tâm, nhân lên tình yêu thương và sự chia sẻ đối với các thương, bệnh binh những người đã dành cả thanh xuân cho nền độc lập của dân tộc hôm nay.
Mỹ Hạnh