Toàn ngành đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa loại hình trường lớp, phát triển khá phù hợp mạng lưới và quy mô giáo dục-đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ở các cấp học, bậc học tăng dần qua các năm, đảm bảo duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Chất lượng giáo dục được nâng lên, kể cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng, tỷ lệ học sinh phổ thông có học lực yếu đều giảm ở tất cả các cấp học; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi tăng. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề bước đầu có chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển, số lượng trường học đạt chuẩn Quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; trang thiết bị giáo dục dần đáp ứng tốt hơn quá trình dạy và học.
Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1, đang phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2014; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được huy động đến trường mầm non tăng, duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường; 8/8 huyện, thành phố, thị xã, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; công tác phổ cập giáo dục THCS luôn được duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng. Các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng lên, các hoạt động hội học, hội giảng, văn nghệ, TDTT và các hoạt động thi đua được quan tâm, thực hiện tốt. .
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tốt. Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12, có 50/67 thí sinh dự thi đạt giải, chiếm 74,62%, trong đó có 2 giải nhất, 8 giải nhì, 23 giải ba và 17 giải KK. Thi học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay, có 25/30 học sinh dự thi đạt giải, chiếm 83,3%. Tham dự Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" toàn quốc, cả 5/5 tiết mục đoạt giải, trong đó có 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ, toàn đoàn xếp thứ 3. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 99,76%; bổ túc THPT đạt 97,67%. Đặc biệt là kết quả thi đại học xếp thứ 2 toàn quốc về điểm trung bình 3 môn thi; có 28 học sinh thi Đđi học đạt 27 điểm trở lên (năm 2012 là 11 học sinh); 2 học sinh đỗ thủ khoa Học viện Tài chính và Trường Đại học Hồng Đức.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, hệ thống đào tạo được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đi đôi với tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên để nâng cấp các cơ sở đào tạo lên cao đẳng, đại học. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở đào tạo, trong đó có 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp, 6 trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề. Các trường đã chú trọng đổi mới chương trình đào tạo; tăng cường liên kết giữa các trường và giữa đào tạo với cơ sở sản xuất, mở rộng hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề tại 8 huyện, thành phố, thị xã, trong tỉnh…
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. Đến nay, tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý toàn ngành có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 99,81%, trong đó trên chuẩn là 71,5%. Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 83,5% (năm 2012 là 82,6%). Trong năm học có thêm 22 trường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Đến tháng 7-2013, tổng số trường học trong toàn tỉnh đạt chuẩn Quốc gia là 338/469 trường, chiếm 72,3%. Ngành GD&ĐT Ninh Bình đã hoàn thành tốt 15 chỉ tiêu thi đua của Bộ GD&ĐT, trong đó 10/15 chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc.
Học kỳ 1 năm học 2013- 2014 , phát huy kết quả những năm học trước trên cơ sở các nhiệm vụ đã đề ra cho năm học, toàn ngành đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đó là duy trì, giữ ổn định quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học. Tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện phổ cập giáo dục mần non trẻ 5 tuổi. 100% trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hầu hết trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo được nuôi tại trường. 100% trẻ đến trường mầm non được tiêm chủng phòng bệnh, khám sức khỏe định kỳ và được đảm bảo an toàn về mọi mặt. Tỷ lệ học sinh tiểu học đi học 2 buổi/ngày đạt 94,1%. Toàn ngành đang tích cực đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 để được kiểm tra công nhận vào năm 2014.
Đối với giáo dục trung học, các nhà trường tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thông qua bồi dưỡng giáo viên, hội thảo chuyên môn, dự giờ thăm lớp, ứng dụng công nghệ thông tin… triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy tiếp tục được tăng cường. Đến tháng 12-2013, toàn tỉnh có 349/469 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (không tính số trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2), đạt tỷ lệ 74,4%. Có 335/477 trường mầm non, phổ thông và Trung tâm GDTX được công nhận trường học thân thiện, học sinh tích cực, đạt tỷ lệ 70,2%. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT cũng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đến tháng 6-2013, toàn tỉnh đã có 27 trường mầm non, phổ thông được đánh giá, ngoài 22 trường phổ thông đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 (cấp độ cao nhất đối với trường phổ thông), 2 trường đạt cấp độ 2; 1 trường đạt cấp độ1; 2 trường mầm non đạt cấp độ 2 (cấp độ cao nhất đối với trường mầm non). Tháng 12-2013 có 27 trường mầm non, phổ thông đang được các đoàn đánh giá ngoài tổ chức đánh giá; nếu được công nhận đạt tiêu chuẩn thì hết năm 2013, toàn tỉnh sẽ có 54 trường trường mầm non, phổ thông được công nhận đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và riêng năm 2013 có 42 trường được đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Ngành GD&ĐT cũng đã tham mưu xây dựng Đề án và được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/NQ- HĐND ngày 20-7-2013 của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến 11-2013, toàn tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi loại hình các trường THPT bán công, dân lập trên địa bàn sang loại hình công lập hoặc tư thục theo đúng Luật Giáo dục hiện hành.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT Ninh Bình tiếp tục tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng (khóa XI).
Hạnh Chi