Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ là việc làm cần thiết nhằm tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ của thành phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực công tác, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng và ban hành 6 chương trình công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, trong đó Chương trình công tác số 1 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên; hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chỉnh trị- xã hội, hội quần chúng các cấp, giai đoạn 2015 - 2020".
Triển khai Chương trình số 1, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ một cách cụ thể, xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thành phố cũng ban hành Quy định hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức các phòng, ban, đoàn thể thuộc thành phố được luân chuyển về công tác tại xã, phường thuộc thành phố.
Theo đó, ngoài mức hỗ trợ đối với cán bộ luân chuyển theo nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố quy định: Đối với cán bộ, công chức thành phố được luân chuyển về công tác ở xã được hỗ trợ thêm kinh phí một lần là 15 triệu đồng, về công tác ở phường là 10 triệu đồng. Các cơ quan chuyên môn theo dõi, đánh giá, nhận xét đối với cán bộ luân chuyển; chuẩn bị nội dung để hướng dẫn cho cán bộ được luân chuyển, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ được điều động, luân chuyển. Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị đã chấp hành nghiêm túc chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ của thành phố, kịp thời kiện toàn bổ sung thay thế khi có cán bộ điều động, luân chuyển đi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong năm 2016 và 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã thực hiện điều động, luân chuyển 3 cán bộ của thành phố về làm Bí thư Đảng ủy xã, phường; 2 cán bộ xã, phường lên thành phố công tác; điều động luân chuyển từ khối Đảng, đoàn thể sang khối Nhà nước và ngược lại 11 đồng chí. Thành phố đã điều động, luân chuyển 10 đồng chí Bí thư Đảng ủy giữa các xã, phường.
Đây là việc làm mới của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy phường, xã. Bên cạnh đó, thành phố thực hiện điều động 73 cán bộ quản lý các trường học thuộc thành phố ngay trước năm học mới nhằm góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng, trình độ, hiệu quả công tác và uy tín cán bộ quản lý.
Ngoài việc thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy quản lý, thành phố Ninh Bình đã thực hiện điều chuyển 23 công chức địa chính-xây dựng, quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, tài chính-ngân sách giữa các phường, xã; 14 kế toán giữa các trường học theo đúng quy định, tạo sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên cũng như những người luân chuyển.
Đồng chí Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình đánh giá: Công tác điều động, luân chuyển cán bộ trên địa bàn thành phố thời gian qua đã tạo ra sự gắn kết trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có cán bộ điều động, luân chuyển; hạn chế tư tưởng cục bộ địa phương trong bố trí cán bộ; tạo phong cách làm việc mới; tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ về cơ sở học tập nâng cao trình độ và tích lũy kinh nghiệm công tác...
Mặt khác, cán bộ diện điều động, luân chuyển đi cơ sở có điều kiện gần gũi với nhân dân, đi sâu, đi sát thực tế; cán bộ được điều động, luân chuyển đến các phòng, ban của thành phố, cán bộ được điều động giữa các phường, xã và giữa các trường học được tiếp xúc với môi trường mới có điều kiện học tập, công tác trong môi trường thuận lợi...
Kinh nghiệm tạo ra bước đột phá trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở thành phố Ninh Bình, đó là trước khi tổ chức thực hiện phải xây dựng kế hoạch cụ thể về đối tượng, yêu cầu năng lực của cán bộ; các vị trí cần luân chuyển, điều động; thời hạn luân chuyển, điều động; cơ chế, chính sách cho cán bộ được luân chuyên, điều động...
Trong đó, cấp ủy phải thực sự chú ý đến các đối tượng luân chuyển và vị trí luân chuyển, đồng thời phải thực hiện công khai, minh bạch kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ. Khi lựa chọn cán bộ luân chuyển, điều động phải lựa chọn cán bộ có năng lực, uy tín, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của vị trí công việc, cần nắm bắt tâm lý của cán bộ dự kiến luân chuyển, điều động, đồng thời tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo quản lý, dư luận của đảng viên, nhân dân về cán bộ dự kiến luân chuyển, điều động. Khi thực hiện luân chuyển, điều động phải thực hiện đồng loạt để tránh tâm lý cho cán bộ.
Sau khi luân chuyển, điều động cần thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện một cách tốt nhất để cán bộ làm quen với môi trường mới. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ về lĩnh vực mới được tiếp nhận. Bên cạnh đó thường xuyên, kiểm tra, giám sát đơn vị có cán bộ được điều động, luân chuyển đến để đánh giá hiệu quả, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đơn vị, người được luân chuyển, điều động.
Điều quan trọng và có ý nghĩa khi thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ đó là đã chọn lọc được cán bộ có đạo đức, có năng lực để trên cơ sở đó giúp cho Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Ninh Bình đưa vào quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo để bổ sung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố.
Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thành phố thực hiện tốt chương trình công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên; hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chỉnh trị- xã hội, hội quần chúng các cấp, giai đoạn 2015 - 2020".
Đinh Ngọc