Văn Phú là một xã thuần nông, vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, Đảng bộ xã xác định phải khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh đất đai và vươn lên bằng nội lực. Hàng loạt các giải pháp phát triển kinh tế được đề ra như: đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống cây trồng, con nuôi; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT để bà con áp dụng vào sản xuất, đồng thời liên kết với các công ty bao tiêu sản phẩm nông sản sau thu hoạch, đảm bảo tăng thu nhập. Cùng với đó, xã đã tiến hành rà soát, điều tra từng hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo để có cách tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả hơn. Khi bình xét hộ nghèo, các thôn xóm tiến hành dân chủ, công khai, bảo đảm công bằng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đều được giao phụ trách các thôn; các chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, thực hiện phương châm cùng nhau giúp đỡ hộ nghèo về sử dụng vốn, kiểm tra cung cách làm ăn của các hộ để có sự hướng dẫn cụ thể. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh được đặc biệt coi trọng và làm thường xuyên.
Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Văn Phú đã tập trung quy hoạch vùng trồng, đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời vận động nhân dân mở rộng mô hình chăn nuôi con đặc sản như: nuôi dê, nuôi ong, nuôi hươu, gà thả vườn…, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hơn 3 năm qua, Văn Phú đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng chục hộ dân trên địa bàn chuyển đổi 332 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình lúa + cá. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa với các loại giống mới, năng suất cao, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế đang được bà con trong xã mở rộng, nhất là ở vụ đông, như: khoai lang Hoàng Long, ngô ngọt và ớt xuất khẩu... Điều đáng nói là các sản phẩm nông nghiệp đã được HTX phối hợp với một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh bị tư thương ép giá, từ đây bà con nông dân đã yên tâm đầu tư trồng trọt, chăn nuôi.
Để tạo điều kiện cho người dân và hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tích cực đứng ra tín chấp với ngân hàng, các tổ chức tín dụng giúp hội viên vay vốn. Hiện nay, tổng dư nợ của các tổ chức trên địa bàn xã là trên 10 tỷ đồng. Các tổ chức Hội, đoàn thể ở địa phương đã đổi mới phương thức hoạt động, gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời tham mưu, báo cáo các cấp, các ngành có liên quan giải quyết. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Văn Phú còn phối hợp với các ngành có liên quan trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách. Từ đầu năm đến nay, đã có 30 lao động trên địa bàn được đào tạo nghề phù hợp, tìm được việc làm ổn định. Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", phát huy sức mạnh tổng hợp để giảm nghèo, Văn Phú đã xây dựng, thực hiện các chính sách, dự án và hoạt động trợ giúp người nghèo: quyên góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo; thực hiện nghiêm chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định, các hoạt động miễn giảm học phí, tặng quà cho học sinh nghèo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn... được tổ chức thường xuyên.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, Văn Phú đã có bước chuyển tích cực trong công tác giảm nghèo, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 20 triệu đồng/năm. Đây chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân Văn Phú tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Đức Nghĩa