Nhằm đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảm bảo ngày càng thực chất và khách quan hơn, kế thừa ưu điểm trong công tác đánh giá cán bộ những năm trước đây; bám sát Quy định 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 732-QĐ/TU ngày 16/11/2017 về tiêu chí đánh giá và xếp loại cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo hình thức lượng hóa bằng điểm số với thang điểm 100. Trong đó, có 2 nhóm tiêu chí: Nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật (tối đa 30 điểm) và nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tối đa 70 điểm). Trong nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có tiêu chí chung và tiêu chí đặc thù theo từng nhóm chức danh cán bộ. Đối với mỗi tiêu chí có những tiêu chí nhỏ, cụ thể với mức điểm rất chi tiết, thấp nhất ở mức 1 điểm, cao nhất ở mức 15 điểm/tiêu chí.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và tập thể, cá nhân cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và chỉ đạo các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình về công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ theo phân cấp, trong đó thực hiện nghiêm túc tỷ lệ cán bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% số được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Trong quá trình chuẩn bị kiểm điểm, đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân nếu thấy cần thiết để việc kiểm điểm được sâu hơn, cá nhân xác định rõ trách nhiệm của mình đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể và lĩnh vực được phân công; đồng thời phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách, do vậy công tác chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ ở các cơ quan, đơn vị bảo đảm nghiêm túc, chất lượng hơn. Từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ủy quyền cho ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là ủy viên ban thường vụ cấp ủy huyện và tương đương, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND huyện, thành phố; việc phân cấp, ủy quyền như trên giúp cho việc đánh giá cán bộ chính xác, sát hơn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Thực hiện Quy định tiêu chí đánh giá và xếp loại theo hình thức lượng hóa bằng điểm số, mỗi cán bộ ngoài chuẩn bị bản kiểm điểm cá nhân, còn phải tự chấm điểm kết quả thực hiện các nhóm tiêu chí theo tiêu chuẩn chức danh, căn cứ số điểm tự chấm để tự nhận các mức xếp loại tương ứng theo quy định; sau khi kiểm điểm, tập thể lãnh đạo tiến hành chấm điểm cho các thành viên, số điểm đạt được được tính là số điểm trung bình cộng của các thành viên trong tập thể lãnh đạo; căn cứ vào số điểm đạt được và các điều kiện đánh giá xếp loại; tập thể lãnh đạo biểu quyết đánh giá, xếp loại cán bộ theo 4 mức quy định.
Từ thực tiễn triển khai, có thể khẳng định rằng việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã có nhiều đổi mới, bảo đảm hiệu quả, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định và phù hợp với thực tiễn của tỉnh; từng bước hạn chế và khắc phục những biểu hiện ngại va chạm, nể nang, né tránh, "dĩ hòa vi quý", bệnh thành tích. Kết quả đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý những năm gần đây ngày càng chặt chẽ, khách quan, đi vào thực chất, tránh hình thức; cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm thực chất hơn, sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, cụ thể: Năm 2015, tổng số cán bộ được đánh giá 299 người, trong đó: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 141 người (47,16%); hoàn thành tốt nhiệm vụ 156 người (52,17%); hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 2 người (0,67%). Năm 2016, số cán bộ được đánh giá 319 người, trong đó: Hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ 146 người (45,8%); hoàn thành tốt nhiệm vụ 169 người (53%); hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 1 người (0,3%); không hoàn thành nhiệm vụ 3 người (0,9%). Năm 2017, số cán bộ được đánh giá 300 người, trong đó: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 146 người (48,7%); hoàn thành tốt nhiệm vụ 152 người (50,7%); hoàn thành nhiệm vụ 1 người (0,3%); không hoàn thành nhiệm vụ 1 người (0,3%). Năm 2018, số cán bộ được đánh giá 294 người, trong đó: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 52 người (17,8%); hoàn thành tốt nhiệm vụ 240 người (81,6%); hoàn thành nhiệm vụ 2 người (0,6%). Năm 2019, số cán bộ được đánh giá 285 người, trong đó: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 56 người (19,6%); hoàn thành tốt nhiệm vụ 228 người (80%); hoàn thành nhiệm vụ 1 người (0,4%).
Cùng với thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ theo định kỳ và thường xuyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, nguyên tắc, dân chủ, công khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh theo đúng Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị, đây là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ.
Việc đánh giá cán bộ hằng năm đã có tác dụng, hiệu quả thiết thực; đội ngũ cán bộ đã nêu cao hơn tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng lên rõ rệt; không khí, tinh thần dân chủ được mở rộng, sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy, cơ quan, đơn vị được tăng cường hơn. Kết quả đánh giá cán bộ hàng năm là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đúng người, đúng việc. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ và các khâu trong công tác cán bộ thời gian qua, đến nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh đã được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có trình độ, năng lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành; có kinh nghiệm, sáng tạo trong vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị và được nhân dân tín nhiệm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quỳnh Thu