Đột phá trong sản xuất nông nghiệp Thôn Đồi Ngô, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn không còn chỗ cho những cây trồng truyền thống như lúa, hoa màu. Các loại cây hàng hóa mới, có giá trị kinh tế cao như ổi, bưởi diễn, bưởi da xanh, táo, hồng xiêm… đang mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng cho bà con nơi đây.
Ông Nguyễn Ngọc Vụ, một nông dân cho biết: Gần 1 ha đất vườn của gia đình trước đây chủ yếu trồng cây màu, thu nhập chẳng đáng là bao. Chủ động tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, nhận thấy thị trường cây ăn quả có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển nên ông đã quyết định cải tạo, quy hoạch lại sản xuất của gia đình.
Ông chặt bỏ hết những cây trồng kém hiệu quả và thay thế bằng 500 cây ăn quả các loại. "Trồng cây ăn quả nặng khoản đầu tư ban đầu, nhất là cây giống vì phải chọn giống chuẩn, chất lượng nên giá thành khá cao. Tuy nhiên, chi phí, công chăm sóc sau này thì lại không đáng kể. Đặc biệt, cây ăn quả trồng 1 lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm.
Hiện, mỗi năm gia đình cung ứng ra thị trường gần 50 tấn quả, thu nhập bình quân từ 200- 300 triệu đồng"- ông Vũ phấn khởi nói. Tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô, hơn 60 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng chuối, cây ăn quả, dược liệu kết hợp với nuôi thủy sản.
Ông Lương Văn Trung, thôn Đoài - một trong những hộ nông dân đi tiên phong trong việc thay đổi này nhận định: Sản xuất các loại cây, con mới, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đấy, giá trị lại cao hơn nhiều so với cấy lúa, vì vậy chắc chắn nông dân chúng tôi sẽ giàu.
Có thể nói, bước chuyển rõ nhất trong sản xuất nông nghiệp Ninh Bình 10 năm qua đó là sự thay đổi trong ưu tiên phát triển cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thay vì chỉ tập trung vào cây lúa, những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như thủy sản và rau quả đã được chú trọng.
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 ha đất lúa chuyển đổi theo quy định sang cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Về tư duy sản xuất, đã có bước chuyển từ tư duy sản xuất nông sản sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp dựa vào HTX và doanh nghiệp. Cụ thể, nếu như trước đây bà con trồng trọt, chăn nuôi theo cảm tính, thích cây nào trồng cây đấy, thích con nào nuôi con đấy thì nay tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng.
Các địa phương tùy vào đặc thù từng vùng xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để chỉ đạo, định hướng nông dân phát triển kèm theo đó sẽ thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm, còn ngành chuyên môn đóng vai trò hỗ trợ về kỹ thuật, đưa các tiến bộ mới, giống mới vào sản xuất.
Song song với đó, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cũng được quan tâm phát triển và dần trở thành xu thế.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 ha trồng lúa VietGAP; một số địa phương đã xây dựng và được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện xã an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, chứng nhận vùng sản xuất trồng trọt đủ điều kiện an toàn. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư lớn, xây dựng nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để trồng rau, hoa an toàn, giá trị thu hoạch ước đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.
Nếu như năm 2008, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác trên địa bàn tỉnh là 55 triệu đồng thì năm 2018, con số này đã là 120 triệu đồng/1ha, tăng gấp hơn 2 lần. Đặc biệt, nhiều năm qua, tăng trưởng của ngành luôn giữ ổn định, bình quân trên 2%/năm, năm 2018 này đạt 2,7% với tổng giá trị sản xuất toàn ngành là 8,503 nghìn tỷ đồng.
Bức tranh sinh động về nông thôn mới
Ngoài những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang là "cú hích" mạnh mẽ làm đổi thay toàn diện vùng nông thôn ở Ninh Bình. Nhà có số, đường được lát vỉa hè, có biển báo giao thông, điện thắp sáng, hai bên trồng hoa, cây xanh… hình ảnh tưởng chừng như chỉ có ở các đô thị thì nay lại không khó để bắt gặp ngay tại các xã nông thôn của Ninh Bình. Hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp của người dân.
Do vậy, từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Trong đó, đường giao thông được coi là bước đột phá quan trọng. Tỉnh đầu tư hỗ trợ xi măng, huyện, xã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, di dời công trình vật kiến trúc để làm đường.
Đến nay, cơ bản các tuyến đường trục, đường liên xã, liên xóm trên toàn tỉnh đã được bê tông hóa, nhựa hóa, đạt cấp kỹ thuật, đảm bảo đi lại thuận tiện. Đến tháng 4/2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận 197,6 nghìn tấn xi măng, làm được trên 12.600 nghìn tuyến đường thôn, xóm với tổng chiều dài gần 1.500 km.
Bên cạnh việc làm đường, phong trào xây dựng cảnh quan nông thôn "Xanh - sạch - đẹp" thông qua việc chỉnh trang khuôn viên gia đình, đường làng ngõ xóm, giải tỏa các loại cây tạp, cây cỏ trên các tuyến trục xã, đường trục xóm, bồi đắp thêm lề đường, lát vỉa hè và chỉ đạo trồng cây bóng mát, trồng hoa theo quy hoạch đã làm tăng nét đẹp của nông thôn. Toàn tỉnh hiện có gần 50 km đường nông thôn được chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh.
Song song với đó, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa thôn, xóm, chợ, trạm y tế ở các vùng nông thôn cũng đã được cải tạo, nâng cấp và xây mới, hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, giao thương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống đã và đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng NTM.
Kết quả, đến nay, sau hơn 7 năm triển khai (2011-2018), Ninh Bình có 90/119 xã cán đích NTM (đạt 75,6%), 2 huyện là Hoa Lư và Yên Khánh đạt chuẩn huyện NTM, 1 thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 31,2 triệu đồng/người/năm, bằng 91% bình quân toàn tỉnh, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,98% năm 2008 xuống còn 4,17% năm 2018. 100% người dân trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh năm 2018 đạt 94,5%.
Một thế hệ nông dân mới
Ông Vũ Văn Chỉ, thành viên HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh dẫn chúng tôi ra đồng để trực tiếp xem hoạt động của chiếc máy phun thuốc BVTV mà HTX đưa vào sử dụng gần đây. Từng chi tiết của chiếc máy, các bước thao tác vận hành máy người nông dân ngoài 60 này đều rất thành thạo.
Ông cho biết: Sử dụng chiếc máy này, không phải lội ruộng, 1 ha lúa tôi chỉ phun trong 2 tiếng đồng hồ là xong, trong khi đó nếu dùng bình xịt thủ công thì phải mất cả ngày.
Ông Chỉ chia sẻ thêm: Hiện ông đang làm hơn 1 ha lúa, với diện tích này nếu như trước kia thì cả nhà 6-7 người cũng làm không xuể. Tuy nhiên, giờ từ khâu làm đất, gieo cấy, bón phân, phun thuốc đến phơi sấy đều có máy móc làm hết nên một mình ông làm mà vẫn thấy nhàn tênh.
Ông Chỉ là đại diện cho thế hệ nông dân lớp trước còn hiện nay, một thế hệ nông dân trẻ đang hình thành, họ thông minh, được đào tạo bài bản, vững về khoa học kỹ thuật, nhạy bén với thị trường và có khát vọng lớn lao là đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.
Đó là câu chuyện của nhóm hộ anh Nguyễn Hải Đường và các hộ nuôi ở khối 2, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn với mô hình mang tính đột phá: "Nuôi tôm vụ đông trong nhà kín". Nói là đột phá bởi ở miền Bắc, mùa đông khí hậu lạnh nên chẳng ai nuôi được tôm thế mà nhóm nông dân trẻ này đã nghiên cứu, học hỏi rồi đầu tư vốn liếng làm nhà bạt thử nghiệm nuôi tôm vụ đông.
Kết quả thành công mỹ mãn, những nông dân này thu tiền tỷ chỉ sau 1 vụ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, giờ đây, cách làm này đang được nhân rộng ra toàn vùng Kim Sơn, tạo bước đột phá cho ngành nuôi trồng thủy sản Ninh Bình.
Ngoài ra, phải kể đến những tấm gương vượt khó, mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất theo mô hình tập trung và chủ động theo đuổi tiêu chí sản xuất an toàn một cách nghiêm túc như: kỹ sư trẻ Lê Văn Tiên với trang trại sản xuất rau, củ, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao ở thôn Văn Hà 2, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn; chàng trai 9x Hà Văn Phương với nông trại "vòng tròn khép kín" ở xóm Đập, thôn Trại, xã Sơn Lai (huyện Nho Quan)… Có thể nói những điển hình nông dân tiên tiến đang từng bước khẳng định vai trò nòng cốt của mình trong kiến thiết, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: Hà Phương - Đức Lam