Đặc biệt, trong Dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số nội dung mới phù hợp với tình hình, điều kiện hiện nay, như: Bổ sung quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai (quyền tiếp cận đất đai, quyền của công dân trong tham gia xây dựng chính sách pháp luật về đất đai, góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (bổ sung quyền được thế chấp tài sản sở hữu gắn liền với đất trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm; quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình trên không...); quy định rõ hơn về thu hồi đất, trưng dụng đất về bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo Luật, tôi có một số ý kiến đóng góp thêm về vấn đề tích tụ đất nông nghiệp. Cụ thể quy định tại khoản 47, Điều 3 (giải thích từ ngữ): "Tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà có thực hiện chuyển quyền sử dụng đất."
Và tại khoản 2, Điều 186 của Dự thảo Luật: "Các phương thức tích tụ đất nông nghiệp: a) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; b) Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp", tôi đề nghị bổ sung phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất. Bởi tích tụ ruộng đất được hiểu là quá trình các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm tăng quy mô đất sản xuất nông nghiệp thông qua chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp dưới các hình thức chuyển nhượng, tặng, cho, hưởng thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tặng, cho cũng là một hình thức "chuyển quyền sử dụng đất".
NGUYỄN THỊ THANH ĐÀO
(Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoa Lư)