Tham dự điểm cầu Ninh Bình tại phòng họp trực tuyến Viễn thông Ninh Bình có các đồng chí lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, năm học 2015-2016, giáo dục tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên tiếp tục được nâng lên và duy trì vững chắc. Các hoạt động "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được thực hiện gắn với xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, mô hình trường học mới.
Các đơn vị giáo dục tiểu học được giao quyền tự chủ để phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên và học sinh trong quá trình giáo dục. Học sinh tiểu học hoàn thành và phát triển phẩm chất đạt 100%; hoàn thành và phát triển năng lực đạt 99,9 %.
Cả nước công nhận thêm 336 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia lên 8.419/14.851 trường tiểu học (đạt 56,69 %); trong đó có 1.374 trường đạt chuẩn mức độ 2.
Về giáo dục trung học: Quy mô học sinh, các loại hình trường lớp phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia kết hợp với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực có chuyển biến.
Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được duy trì tích cực, hiệu quả tạo được nhiều chuyển biến trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trung học. Kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực các cấp tăng so với năm học trước. Mạng lưới trường lớp ngày càng được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh…
Hiện nay, số trường THCS đạt chuẩn quốc gia là 4.018/10.909 trường (tăng 433 trường so với năm học 2014-2015). Số trường THPT đạt chuẩn quốc gia là 560/2.788 trường (tăng 50 trường so với năm học 2014-2015)…
Về giáo dục thường xuyên (GDTX), mạng lưới các cơ sở được củng cố và phát triển. Số lượng người học các chương trình GDTX tiếp tục được duy trì, có sự chuyển hướng tích cực, rõ nét sang các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT được chú trọng, với việc thu hút 27.703 học viên học chương trình bổ túc THCS và 187.847 học viên học chương trình bổ túc THPT.
Với chủ trương tạo sự đồng thuận và quyết tâm vượt qua khó khăn, năm học 2016-2017 đặt ra những thách thức và nhiệm vụ trọng tâm chung như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án: " Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" và đề án: " Xóa mù chữ đến năm 2020", củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng.
Cùng với đó đổi mới phong cách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện quyền tự chủ. Nội dung, phương thức đánh giá học sinh cũng sẽ được đổi mới cho phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học của học sinh.
Công tác đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học, phân luồng học sinh sau THCS và THPT cũng tiếp tục được chú trọng…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, việc đổi mới trong các hoạt động của toàn ngành là việc làm đúng hướng, có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục và chuẩn bị cho việc triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Và triển khai các nội dung đổi mới cần sự đồng thuận và quyết tâm, nhiệt huyết của toàn bộ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hay chính quyền địa phương.
Cùng với đó, các địa phương cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành; thay đổi tư duy để tiếp cận linh hoạt với các chương trình giáo dục mới.
Các đơn vị giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên, đáp ứng phục vụ tốt nhất các đề án mới vàhoàn thành nhiệm vụ năm học 2016-2017.
Mỹ Hạnh