Dự buổi biểu diễn có đồng chí Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Giáo dục và đào tạo; lãnh đạo các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn… và hàng chục các em học sinh có năng khiếu nghệ thuật được chọn tham gia Dự án… Được chọn là nơi thực hiện Dự án, 3 trường THCS gồm các trường: THCS Gia Thịnh (Gia Viễn); THCS Như Hòa (Kim Sơn) và trường THCS Khánh Trung (Yên Khánh), mỗi trường chọn 20 em học sinh có năng khiếu nghệ thuật tham gia.
Sau 2 tháng được các nghệ nhân, nghệ sĩ có trình độ và tâm huyết truyền dạy, các em học sinh đã biểu diễn khá thuần thục nhiều làn điệu Chèo cổ cơ bản và một số trích đoạn Chèo cổ tiêu biểu.
Tại buổi biểu diễn báo cáo Dự án, các em học sinh được chọn thực hiện Dự án đã biểu diễn các tiết mục hát múa làn điệu Đò đưa, làn điệu Sắp mưa ngâu, làn điệu Vu quy; các trích đoạn chèo cổ "Thầy đồ dạy học" (vở chèo cổ Tôn Mạnh - Tôn Trọng), "Xã trưởng - mẹ Đốp", "Thị Mầu lên chùa", trích đoạn "Việc làng" (vở chèo cổ Quan âm thị Kính)…
Dự án "Sân khấu học đường" năm 2013 được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đầu tư thực hiện tại Ninh Bình cho thấy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đạt được kết quả bước đầu.
Thông qua hướng dẫn tập luyện giúp các em học sinh cảm thụ được các giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong quá trình hình thành nhân cách lứa tuổi học sinh.
Đồng thời rèn luyện cho các em ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tạo điều kiện cho các em được giao lưu học hỏi, thể hiện tài năng nghệ thuật của mình và là dịp để phát hiện, tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật Chèo tỉnh nhà…
Qua đó góp phần đẩy mạnh phong trào nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Mỹ Hạnh-Minh Quang