Cuộc họp đã thu hút được sự quan tâm, chia sẻ, những đề xuất hết sức tâm huyết từ thực tế sinh động của du lịch thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Tại cuộc họp, ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết bên cạnh hàng loạt giải pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách mà ngành du lịch cùng các ban ngành liên quan triển khai rất tốt thời gian qua, yêu cầu cấp thiết ngay lúc này là cần đẩy mạnh quảng bá đến du khách Trung Quốc và các nước có cộng đồng sử dụng tiếng Hoa như Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)… hiểu rõ môi trường du lịch Việt Nam vẫn vô cùng ổn định, thân thiện và luôn chào đón họ. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc công ty du lịch Liên Bang cho rằng, truyền thông cần phải lên tiếng để du khách biết đây chỉ là những hành động cá biệt và đã được chấn chỉnh.
Như vậy thì họ sẽ an tâm và tiếp tục chọn điểm đến Việt Nam. Ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Rex đề nghị các đơn vị hàng không, khách sạn và lữ hành hãy cùng nhau bắt tay để tạo nên các chương trình kích cầu du lịch quốc tế, giảm giá thật sâu các hành trình, tạo điều kiện thu hút không chỉ khách Trung Quốc, thị trường các nước có người dân sử dụng tiếng Hoa mà toàn thể bạn bè khắp nơi trên thế giới cùng đến Việt Nam, để tận mắt chứng kiến và trải nghiệm về đất nước, con người chúng ta dù trong hoàn cảnh nào vẫn vô cùng thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách.
Đặc biệt nhiều ý kiến đề xuất để khắc phục những ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác những thị trường giàu tiềm năng có phân khúc chi tiêu cao như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Ấn Độ. Đặc biệt là kiến nghị cần mở rộng thêm đối tượng các quốc gia được miễn giảm thị thực khi vào nước ta, tạo môi trường du lịch ngày càng thông thoáng. Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội du lịch TP.HCM khiến nghị các cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thị thực thêm cho 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó là nhiều kiến nghị đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành như: miễn giảm thuế đối với xe vận chuyển khách du lịch, hỗ trợ, giảm giá lệ phí làm visa, đơn giản các thủ tục hành chính tránh phiền hà cho du khách; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần xem xét để xây dựng Văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam ở một số thị trường du lịch trọng điểm.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình bày những giải pháp thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai trong thời gian qua chỉ đạo các lực lượng đảm bảo an ninh an toàn du lịch, vận động các doanh nghiệp du lịch tiếp tục chung tay xây dựng hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố năng động, thân thiện, hiếu khách, một điểm đến du lịch hấp dẫn an toàn.
Do đó các doanh nghiệp du lịch bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ du khách phải xác định rõ nhận thức trong cán bộ, nhân viên đơn vị về việc không phân biệt đối xử, không có các hành động quá khích đối với du khách quốc tế đặc biệt là du khách Trung Quốc, thể hiện truyền thống hiếu khách, thân thiện và tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách, không để kẻ xấu lợi dụng tình hình, gây phương hại cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động ứng phó với tình hình du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng ở biển Đông, kết nối sức mạnh chung, đây là thời điểm quan trọng đòi hỏi sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của các cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch kề vai sát cánh biến những thách thức thành cơ hội, đưa ngành du lịch vượt sóng. Những ý kiến nhiệt huyết của các doanh nghiệp du lịch phía Nam sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp tiếp thu giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch chỉ đạo xử lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cam kết đồng hành với các doanh nghiệp du lịch chủ động ứng phó sáng tạo, kịp thời.
Theo Dangcongsan.vn