Theo Quyết định 1167/QĐ-TTg, ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016 - 2020 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT của các địa phương trong cả nước là 79% số dân. Đối với Ninh Bình, năm 2016, được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu 75%, đến năm 2020, Ninh Bình nằm trong số các địa phương được giao chỉ tiêu có tỷ lệ bao phủ BHYT phải đạt 90%. Tuy nhiên, theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết tháng 6-2016, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt 82,6% dân số. Kết quả này cao hơn và vượt xa mức trung bình của cả nước. Để có được kết quả này, trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh đã tham mưu kịp thời để UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân và Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1584 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ra quyết định giao chỉ tiêu phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT cụ thể cho các địa phương. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng có những biện pháp cụ thể trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, như phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, khảo sát thông tin các doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế trên địa bàn, làm cơ sở tiếp cận tuyên truyền, nhằm khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH; phân công cán bộ phụ trách đơn vị thường xuyên bám sát, đôn đốc công tác thu… Cùng với đó, tổ chức các lớp đào tạo và đào tạo lại cho đại lý thu. 6 tháng đầu năm đã tổ chức 12 lớp đào tạo cho đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng cho trên 1 nghìn nhân viên đại lý thu. Qua đó, góp phần gia tăng độ bao phủ tỷ lệ người tham gia BHYT, thúc đẩy quá trình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân theo kế hoạch.
Kết quả, hết tháng 6-2016, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là trên 778 nghìn người, tăng 19,8% so với số người tham gia cuối năm 2015, đạt 113% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 82,6% dân số. Nguyên nhân tăng là do một số nhóm đối tượng tham gia tăng cao so với cuối năm 2015, điển hình như nhóm đối tượng BHYT hộ gia đình tăng 20.486 người; hộ nông-lâm-ngư nghiệp tăng 3.830 người; người sinh sống tại vùng khó khăn tăng 38.355 người; người cận nghèo tăng 26.171 người. Trong đó, 3 đơn vị có tỷ lệ người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp tham gia BHYT cao là BHXH huyện Kim Sơn đạt gần 19%, BHXH huyện Hoa Lư đạt gần 14%, BHXH thành phố Ninh Bình đạt trên 10%; 3 đơn vị có tỷ lệ người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp tham gia BHYT rất thấp là BHXH huyện Yên Mô đạt 0,09%, BHXH Nho Quan là 1,15%, BHXH huyện Yên Khánh là 2,49%. Cùng với đó, BHXH huyện, thành phố đã vận động được 92.896 người tham gia BHYT hộ gia đình. Trong đó, một số đơn vị vận động được trên 10 nghìn người tham gia BHXH hộ gia đình, là BHXH huyện Yên Khánh (16.850 người); BHXH huyện Kim Sơn (13.993 người); BHXH thành phố Ninh Bình (13.166 người)…. 2 đơn vị có ít người tham gia BHYT hộ gia đình là BHXH thành phố Tam Điệp (4.466 người), BHXH huyện Gia Viễn (9.618 người).
Để nỗ lực tăng nguồn thu, mở rộng và phát triển đối tượng, BHXH tỉnh đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng thu, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh của ngành. Theo đó, công tác thu đảm bảo việc phối hợp với các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chủ sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH; các đơn vị bám sát cơ sở thu hồi nợ.
Cùng với đó là sự quan tâm của cấp ủy, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của UBND tỉnh đã giúp cơ quan BHXH tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ của ngành thuận lợi hơn. BHXH tỉnh cũng phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát những đơn vị mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN để yêu cầu doanh nghiệp tham gia, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH ngay từ khi mới thành lập. Đồng thời, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đốc thu, hạn chế tình trạng nợ đọng kéo dài. Đặc biệt, theo Luật BHXH sửa đổi, BHXH hiện nay có thêm chức năng thanh tra, xử phạt doanh nghiệp nợ BHXH. Đây là một công cụ pháp lý giúp ngành triển khai tốt công tác thu hồi nợ đọng bảo hiểm. Tính đến hết tháng 6-2016, các khoản thu BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tự nguyện đạt gần 750 tỷ đồng, bằng 46,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Một số đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch thu do BHXH tỉnh giao là: Phòng Thu BHXH tỉnh đạt 52,54%, BHXH huyện Nho Quan (48,52%), BHXH huyện Kim Sơn (47,66); đạt tỷ lệ thấp là: BHXH thành phố Tam Điệp (37,76%), BHXH huyện Gia Viễn (41,98%), BHXH thành phố Ninh Bình (42,09%), BHXH huyện Yên Khánh (42,23%). Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN hiện còn trên 126 tỷ đồng, bằng 14,5% tổng số phải thu; trong khi tỷ lệ chung của toàn quốc là 5,87%, như vậy tỉnh Ninh Bình còn nợ đọng số thu bảo hiểm các loại tương đối cao so với cả nước. Theo địa bàn quản lý, số đơn vị có tỷ lệ nợ đọng cao là thành phố Tam Điệp (27,74%), thành phố Ninh Bình (20,84%), Yên Khánh (18,94%).
Để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, nhất là kế hoạch thu và phát triển đối tượng 6 tháng cuối năm, BHXH tỉnh tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ. Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng, khắc phục tình trạng nợ đọng, giám sát chặt chẽ các chi phí khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người tham gia và cân đối quỹ BHYT. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân về BHXH, BHYT, phát triển mạnh đối tượng tham gia dưới hình thức BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng…
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh