Khẳng định tính ưu việt và nhân văn của BHXH tự nguyện
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định khi có đủ 20 năm đóng BHXH; được trợ cấp tuất một lần và hưởng trợ cấp mai táng; được cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.
Anh Đinh Văn Công, thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) là lao động tự do tại nhà. Khi được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của thị trấn tư vấn, anh Công quyết định tham gia BHXH tự nguyện. "Trước đây, tôi cứ nghĩ phải là những người làm công chức nhà nước hoặc trong các doanh nghiệp mới được đóng BHXH, được hưởng lương hưu khi về già. Nhưng hiện tại, tất cả mọi người, kể cả người nông dân và lao động tự do đều có cơ hội đó. Đây là một chính sách an sinh tốt, có ý nghĩa xã hội rất lớn, giúp mọi người yên tâm khi hết tuổi lao động vẫn có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống". Ngoài mua bảo hiểm cho mình, anh Công cũng thuyết phục vợ bán hàng tạp hóa tại chợ cùng tham gia BHXH tự nguyện được 4 năm nay. "Hiện nay, với thu nhập bình quân của hai vợ chồng trên dưới chục triệu đồng, hàng tháng trích nộp BHXH tự nguyện số tiền hơn 2 triệu đồng cho 2 người, chúng tôi yên tâm khi về già có lương hưu, được cấp thẻ y tế chăm sóc sức khỏe, không phải phụ thuộc và trở thành gánh nặng cho con, cháu..." - anh Công vui vẻ cho biết.
BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2008. Sau một thời gian thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này cũng như tháo gỡ, tiếp sức và chung tay với người lao động, ngày 29/12/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 134 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH và BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể các mức hỗ trợ là: 30% đối với người có hộ khẩu hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Đây là hình thức hỗ trợ thiết thực nhằm tăng tính hấp hẫn của loại hình BHXH tự nguyện, góp phần tăng nhanh và bền vững đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Tăng cường tuyên truyền, xây dựng niềm tin cho đối tượng
Đồng chí Bùi Thị Lan Hương, Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Những năm qua, BHXH tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và đề cao vai trò của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan như: Phát tờ rơi, băng rôn, áp phích nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến từng người dân, mỗi lao động tự do. Đặc biệt, trong các buổi tư vấn trực tiếp, cơ quan BHXH đều niêm yết công khai tên cán bộ tư vấn, số điện thoại đại lý thu và có những ví dụ minh họa cụ thể về các chế độ và quyền lợi được hưởng, giúp người dân nắm bắt được. Đồng thời, BHXH các cấp cũng phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương thực hiện tuyên truyền lồng ghép nội dung BHXH tự nguyện trong các cuộc họp tại cơ sở, giúp người lao động hiểu được tính ưu việt của BHXH tự nguyện, từ đó tích cực, chủ động tham gia. Qua những buổi đối thoại, các đợt tuyên truyền, cùng với sự nỗ lực của cán bộ ngành bảo hiểm, bưu điện, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tăng lên rõ rệt. Năm 2017, toàn tỉnh có 2.584 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2018 là 4.482 người và 10 tháng năm 2019 là 7.472 người tham gia, đạt 106,62% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Ước hết năm 2019 có trên 7.500 người tham gia, gấp gần 2 lần so với năm 2018. Điều đó càng thể hiện vai trò, tính nhân văn sâu sắc của ngành BHXH trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Tuy đạt được những kết quả phấn khởi trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhưng phần lớn người tham gia là những người lao động đã từng tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu nên tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn lại số lao động tự do, người nông dân tham gia mới chưa nhiều, nguồn "cung" còn khá nhiều tại các địa phương. Nguyên nhân một phần do kinh tế của người dân còn khó khăn, thu nhập không ổn định nên chưa tham gia; công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện còn mức độ, dẫn đến còn nhiều người chưa biết và chưa hiểu đầy đủ về chính sách này. Nhiều người cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn được người lao động… Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ về mức đóng, nhưng nhiều người dân còn e ngại là số năm phải đóng quá dài, tới 20 năm… Đây là những băn khoăn dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện những năm qua tăng chậm.
Theo đồng chí Giám đốc BHXH tỉnh Bùi Thị Lan Hương, để ngày càng thu hút thêm nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn trực tiếp với người dân. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, phụ nữ, ngành bưu điện... Bên cạnh đó, tiếp tục giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia cho BHXH cấp huyện và từng đại lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hỗ trợ nghiệp vụ; đa dạng hóa các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ... Không ngừng gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn, phấn đấu đạt mục tiêu theo Kế hoạch số 96 của UBND tỉnh Ninh Bình đề ra, năm 2019, tỷ lệ tham gia (số người tham gia so với số người thuộc diện tham gia) BHXH tự nguyện là 1,42%; năm 2020 là 1,87%.
Hạnh Chi