Ðến dự lễ bế mạc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hà Sơn Nhin, Ủy viên T.Ư Ðảng Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương; đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam và hơn 3.000 khách mời đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước các nghệ nhân, diễn viên... của 25 tỉnh, thành phố và các đoàn cồng chiêng quốc tế gồm: Lào, Mi-an-ma, Phi-li-pin và In-đô-nê-xi-a.
Lễ bế mạc với chủ đề: "Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc" được thể hiện hai phần chính: Lễ bế mạc với các phân cảnh: Truyền thuyết Biển hồ; Vòng tay Ðam San; Bốn phương hội tụ; Plây Cu chưa xa đã nhớ; Thắp chung ngọn lửa quê hương. Phần hai là nghệ thuật biễu diễn đường phố với sự tham gia diễu hành của gần 2.000 nghệ nhân của các đoàn nghệ thuật cồng chiêng trong nước và quốc tế diễn ra trên đoạn đường 500 m, được chia thành mười nhóm biểu diễn theo các chủ đề: Tâm linh tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; lễ hội giải trí; văn hóa ẩm thực; du lịch sinh thái; không gian cồng chiêng; nhịp sống ngày mới trên quê hương; hợp tác cùng phát triển; hội nhập và giao lưu; Tây Nguyên với cả nước, cả nước với Tây Nguyên.
Nếu như ở đêm khai mạc, Ban tổ chức muốn giới thiệu đến khách và bạn bè quốc tế cái hồn mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng thì lễ bế mạc được tập trung cho chủ đề "Thông điệp đoàn kết các dân tộc" với những điểm nhấn được thể hiện xen kẽ giữa truyền thống và hiện đại, khắc họa sức sống, sức lan tỏa mãnh liệt của cồng chiêng không chỉ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam mà còn của các dân tộc anh em trong khu vực Ðông-Nam Á; là cảnh các nghệ nhân, diễn viên các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh và các nước trong khu vực, trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, tay trong tay lượn quanh vòng Xoong như hòa quyện, không gì có thể chia cách... trên nền của bài hát "Plây Cu chưa xa đã nhớ". Kết thúc đêm lễ hội là màn trình diễn pháo hoa rực rỡ trên nền trời lộng gió cao nguyên.
Liên hoan Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai đã khép lại nhưng dư âm của những ngày được sống trong không khí lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống; trong tình đoàn kết giữa các dân tộc Tây Nguyên với các dân tộc anh em trên cả nước và khu vực Ðông - Nam Á vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người. Từ Liên hoan này, Ban tổ chức, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ tiếp tục làm hết mình để bảo tồn, phát huy nhằm góp phần làm cho nghệ thuật và những giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, mà còn là biểu tượng văn hóa; là thông điệp hòa bình gắn kết giữa các dân tộc trong khu vực. Vậy là, khép lại festival cồng chiêng quốc tế đầu tiên.
|
Cũng màn voi diễu hành như lễ khai mạc |
|
Cồng chiêng các tỉnh bạn... |
|
...Các đoàn quốc tế được chào đón |
|
Đông vui nhất là đoàn của tỉnh nhà Gia Lai. |
|
Rực rỡ sắc màu... |
Theo Nhandan