Dự bế mạc hội nghị có các đồng chí: Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh; lãnh đạo Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các Viện nghiên cứu... cùng các đại biểu, nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khảo cổ học, bảo tàng, di sản…
Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 56, đã tiếp nhận gần 400 bài thông báo khảo cổ học toàn quốc với rất nhiều phát hiện và thành quả nghiên cứu mới đa dạng và có giá trị to lớn.
Theo đánh giá, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng các hoạt động khảo cổ học vẫn diễn ra sôi động trên cả nước với những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới rất đa dạng và có giá trị to lớn.
Những phát hiện và thành quả nghiên cứu mới, nổi bật đã được công bố như: Phát hiện về di tích, di vật minh chứng cho quá trình tiến hóa của con người cùng di tồn văn hóa thời Tiền sử và Sơ sử ở Việt Nam trên địa bàn một số tỉnh; tiếp tục triển khai hoàn thiện chương trình khai quật và làm hồ sơ khoa học Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Nam Bộ) thuộc Đề tài cấp Nhà nước do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chủ trì...
Đặc biệt, điểm nổi bật nhất trong các hoạt động khảo cổ học trong năm qua là tiếp tục triển khai khai quật tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình với những phát hiện mới, góp phần làm rõ thêm diện mạo của kiến trúc cung điện và bản sắc văn hóa thời Đinh - Lê trong lịch sử dân tộc…
Thông qua các cuộc buổi thảo luận chuyên đề, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất, tập trung vào vấn đề quan tâm, chú trọng hơn nữa của các cấp, cơ quan quản lý văn hóa trong công tác bảo vệ, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích theo đúng Luật di sản Văn hóa.
Việc đào tạo nguồn nhân lực từ sinh viên, cán bộ nghiên cứu trẻ vừa có kiến thức về lý thuyết, vừa có phương pháp, cách tiếp cận, định hướng nghiên cứu chuyên sâu, theo hướng hiện đại; đồng thời cần có những hội thảo khảo cổ học quốc tế để có sự giao lưu, học hỏi công nghệ về khảo cổ ở các nước tiên tiến.
Đặc biệt, hội nghị năm nay được diễn ra theo hình thức mới vừa trao đổi, thảo luận, kết hợp với tham quan chiêm nghiệm giá trị địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu của di sản thế giới Tràng An và khảo sát thực địa khảo cổ học tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.
Qua đó, giúp các đại biểu nhìn nhận bao quát, toàn diện hơn về hiện trạng thực tế di sản để cùng đưa ra cách thức mới trong bảo tồn và phát huy giá trị các di chỉ khảo cổ học nói riêng và các di sản văn hóa lịch sử nói chung trong cả nước.
Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, nhiều phát hiện mới về khảo được đưa ra trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ hơn giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của đất nước, gắn với những chiến công chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc Việt Nam.
Nhiều báo cáo được thực hiện công phu, nghiêm túc, có nội dung phong phú. Đó chính là những thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu vật chất, giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc, lịch sử hình thành và phát triển con người Việt Nam. Mục tiêu để bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hạnh Chi - Minh Quang