Hồi 08 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10 km, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tính đến 7 giờ sáng nay (29/10) ở khu vực ven biển Bắc bộ phổ biến trong khoảng từ 100 - 200 mm, một số nơi có lượng mưa trên 300mm như Quảng Hà (Quảng Ninh) 375mm, Cửa Cấm (Hải Phòng) 334mm, Văn Lý (Nam Định) 330 mm, thành phố Thái Bình 404mm; ở các tỉnh bắc và trung Trung bộ phổ biến 50 - 100mm. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn như đảo Hòn Dấu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 11, giật cấp 14; Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 14; thành phố Nam Định và Phủ Liễn gió giật cấp 11; đảo Bạch Long Vĩ và đảo Hòn Ngư gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo khoảng trưa và chiều mai (30/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh bắc và trung Trung bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ có mưa rào và dông vài nơi, các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ từ đêm mai có mưa rào và dông rải rác. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 4 - 5. Ở vịnh Bắc bộ và khu vực bắc Biển Đông từ chiều mai có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Các tỉnh miền Bắc từ đêm mai trời trở lạnh.
* Theo thông tin ban đầu, bão số 8 đã làm tốc mái nhiều nhà cửa, hoa màu, điện bị cắt trên diện rộng ở một số tỉnh. Tại Nam Định: Vào lúc 20h40 phút ngày 28/10, gió bão giật mạnh khiến tháp Truyền hình Nam Định bị sập hoàn toàn, khiến 1 người bị thương. Tháp bị gãy ở vị trí cách mặt đất 20m. Tháp cao 180m, được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010 tại khu đô thị Hòa Vượng, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Tháp tiếp sóng các kênh VTV2, VTV3, VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình An Viên cho cả vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Sự cố khiến các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam không xem được các kênh tiếp sóng trên.
Bão số 8 quét qua Nam Định trong khoảng thời gian từ 7 - 8h đồng hồ, gây nhiều thiệt hại. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể, song ước tính Nam Định chưa kịp thu hoạch hơn 5.000 ha lúa mùa, trong đó có trên 3.000 ha là lúa đặc sản; hơn 6.000 ha nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn, nước lợ (tập trung chủ yếu tại ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) cũng bị ảnh hưởng. Nam Định cũng vừa xuống giống hơn 15.000 ha rau màu vụ đông, trong đó có gần 6.000 ha trồng trên đất trũng hai lúa.
Tại Hưng Yên: Do ảnh hưởng của bão số 8, đêm 28/10, tại Hưng Yên có gió mạnh và mưa lớn làm thiệt hại nặng nhiều cây cối và hoa màu. Đây là trận bão gây ảnh hưởng lớn nhất trong 5 năm trở lại đây ở Hưng Yên. Tại các vùng trồng chuối ở Kim Động, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, gần 1000 ha chuối đã có buồng chuẩn bị cho thu hoạch bị gãy đổ và mất trắng. Toàn tỉnh còn có hàng nghìn ha cây vụ đông như bí xanh, dưa chuột, đậu tương và nhiều rau màu khác đang phát triển bị dập nát; các ruộng cây vụ đông mới trồng bị ngập úng; nhiều diện tích trồng ngô vùng bãi và trong đồng đổ nghiêng. Ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ có hàng trăm ha cây ăn quả như cam bưởi cũng bị rụng quả, gãy cành. Bão cũng đã gây mất điện trên diện rộng ở thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu.
Tại Thái Bình: Đến 13 giờ chiều 28/10, bão số 8 đã bắt đầu ảnh hưởng tới 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy của tỉnh Thái Bình và đang gây ra gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, sóng biển rất to, tạo thành những cột sóng lớn cao từ 3 - 3,5m, biển động dữ dội. Riêng TP. Thái Bình cũng đang có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh quật đổ nhiều cành cây. Tất cả các cửa hàng, cửa hiệu đã phải đóng cửa sớm để chằng chống nhà cửa, cây cối đề phòng bão đổ bộ vào. Các lực lượng tham gia phòng chống bão có mặt tại điểm chốt với tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu. Người dân cũng được khuyến cáo không nên ra đường, nhất là trong thời điểm đêm 28/10 khi bão đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp tới Thái Bình. Tại Thanh Hóa: Cũng trong chiều 28/10, bão số 8 đổ bộ vào khu vực phía bắc Thanh Hóa. Với sức gió mạnh cấp 5 cấp 6, giật cấp 7, tại tuyến đường liên thôn, liên xã của các huyện ven biển nhiều cây bị gãy, đổ; biển quảng cáo, pa-nô, áp phích cũng bị gió xô đổ. Từ 17-18 giờ chiều, nhiều khu vực trong tỉnh Thanh Hóa bị mất điện. Hiện tại, một số xã khu vực ven biển vẫn chưa có điện trở lại. Trước đó, trên đường vào tránh bão, đã có 1 tàu công suất 24CV của ngư dân xã Hải Ninh-Tĩnh Gia va chạm với một tàu khác tại Lạch Quèn-Nghệ An, làm vỡ mạn, nước tràn vào gây chìm tàu. Tuy nhiên, lao động trên tàu đều an toàn. Trưa 28/10, ở bãi biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cũng có 2 tàu mắc cạn khi đang trên đường vào bờ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đưa toàn bộ 6 lao động trên 2 tàu vào đất liền an toàn. Hiện tại, ở các huyện ven biển Thanh Hóa và khu vực Thành phố Thanh Hóa còn có gió to và mưa vừa. Tại Quảng Ngãi: Do ảnh hưởng bão số 8, trong ngày 28/10, tỉnh Quảng Ngãi có gió cấp 7, biển động mạnh đã gây ra vụ lật thuyền làm 3 người chết đuối. Tại Hải Phòng, Quảng Ninh, gió bão đã giật tung hàng trăm cây xanh, mái nhà. Nhiều khu vực tại nội thành Hải Phòng đã bị cắt điện.
Theo ĐCS.vn