Tờ báo không dừng lại ở việc chuyển tải những chủ trương, chính sách, những tin tức thời sự mà ngày càng có thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục phản ánh một cách sinh động thực tiễn của đời sống xã hội, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Đối với người nông dân, tờ báo còn là người tư vấn bách khoa, đem đến cho họ nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt là những bài viết trên chuyên trang kinh tế về những điển hình làm kinh tế giỏi, những mô hình, phương thức sản xuất tiên tiến, đem lại hiệu quả cao về ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, phát triển ngành nghề. Tờ báo cũng mở ra nhiều chuyên mục: Nông dân cần biết, thông tin khoa học, người biết làm giàu... giúp người nông dân có thêm những kiến thức, hiểu biết, đủ tự tin trong làm ăn, mạnh dạn đi vào thực hiện những mô hình tiên tiến trong phát triển kinh tế.
Nhận thức được tác dụng đa chiều của tờ báo nên từ lâu nhiều cấp ủy xã, phường, thị trấn đã giao cho đài truyền thanh các địa phương chọn lọc những tin, bài sát với thực tiễn cơ sở đưa lên sóng phát thanh để mọi người cùng nghe, để vận dụng vào sản xuất, đời sống. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ còn kỳ công đọc, tóm tắt những bài báo giới thiệu gương làm kinh tế giỏi, những giống cây, con nuôi có tiềm năng cho năng suất và giá trị thương phẩm cao, những kinh nghiệm về khai thác nguồn nguyên liệu ở địa phương để phát triển ngành nghề, đến những dự báo về sâu bệnh, thời tiết, những thông tin khoa học liên quan đến sản xuất nông nghiệp... để giới thiệu trước chi bộ, giao cho trưởng các đoàn thể phổ biến đến các hội viên, đoàn viên.
Trong những năm qua, từ những chuyên trang, chuyên mục, những bài viết trên Báo Ninh Bình về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã tác động thiết thực đến sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân vận dụng, mở ra nhiều phương thức, mô hình làm ăn mới, đem lại những giá trị to lớn về kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình đổi mới nông nghiệp - nông thôn.
Từ tác động của tờ báo, đã dấy lên những phong trào, cách làm ăn mới tác động đến cả một địa phương như việc làm lúa tái sinh ở Yên Bình đến nay đã nhân rộng ra nhiều nơi ở thị xã Tam Điệp, Gia Viễn. Việc làm nấm ở HTX nông nghiệp Hợp Tiến (Khánh Nhạc) đã phát triển đến hầu hết các xã ở huyện Yên Khánh và cả một số nơi ở Yên Mô; việc làm cây vụ đông trên đất thịt nặng ở Kim Sơn; mô hình 1 lúa 1 cá trên ruộng trũng ở Yên Thắng (Yên Mô) được báo đưa tin cổ vũ, đến nay đã được nhiều địa phương ở thị xã Tam Điệp, Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư... hưởng ứng và vận dụng hiệu quả.
Phóng viên Báo Ninh Bình tác nghiệp tại vùng lũ Gia Viễn năm 2007
Những điển hình làm kinh tế giỏi xuất hiện ngày một nhiều. Nhiều người dân khi tham khảo những mô hình, phương thức làm ăn có hiệu quả được chuyển tải trên Báo Ninh Bình, rồi liên hệ sát với điều kiện, hoàn cảnh của mình thấy có thể vận dụng được, đã mạnh dạn làm theo và kết quả đem lại là hết sức tích cực. Đó là những điển hình mà người viết bài này được tận mắt chứng kiến, được nghe, được thấy, được chủ nhân trao đổi cả những khó khăn, thử thách và cả những thành công đạt được hôm nay.
Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Kim Lân, ở phố Kim Đa (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình). Những năm 2002 trở về trước, gia đình ông còn thuộc diện khó khăn, xoay đủ mọi việc mà vẫn không khá lên được. Sau dồn điền, đổi thửa, ông có được một diện tích liền dải 4.800 m2, ông đã vượt ao thả cá, xây khu chuồng trại quy mô có hầm biôga, nuôi lợn theo phương pháp "con heo vàng" như nội dung được đăng tải trên Báo Ninh Bình. Theo ông Lân đó chính là chất men lỏng cho ăn theo công thức đã được hướng dẫn. Đàn lợn tăng trưởng nhanh, mỗi tháng mỗi con tăng từ 20-22 kg. Nếu gặp giống tốt có thể tăng trưởng từ 25-27 kg/con/tháng. Trong 3 năm qua, mỗi năm ông nuôi trên 100 con lợn thịt, phần lớn là giống siêu nạc, trừ chi phí còn cho lãi ròng từ 70-80 triệu đồng. Ngoài ra ông còn nuôi 1.000 con vịt đẻ, hàng trăm con gà thịt, mỗi năm cho thu lãi trên 30 triệu đồng.
Một gương tiêu biểu khác, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, anh Vũ Đình Phong ở thôn An Ninh, xã Gia Hòa (Gia Viễn) với phương thức làm ăn mới, đã thoát nghèo, vượt lên làm giàu, được bà con trong xóm, ngoài làng hết sức ca ngợi. Trước đó, anh chị đấu thầu đất đóng gạch nhưng do không có nghề, nung gạch không có kinh nghiệm nên khi ra lò "gạch sống" không bán được ngày càng nợ nần nhiều. Anh chị Phong - Thảo lại xoay sang đầu tư vào chăn nuôi, bước đầu đã có sinh lời nhưng rồi chị lâm bệnh nặng, phải bán hết cả lợn, gà đi chữa bệnh. Sau một năm trời nằm viện ở Hà Nội, bệnh chị Thảo đã qua khỏi, nhưng anh chị thì trắng tay. Tình cờ một hôm chị đọc trên trang tin kinh tế Báo Ninh Bình nói về kết quả mô hình một lúa, một cá trên chân ruộng trũng mà một số địa phương đã thực hiện thành công. Với 12 mẫu ruộng đấu thầu, chị đã bàn với anh vay vốn ngân hàng, đầu tư vào làm 1 vụ lúa, 1 vụ cá kết hợp với chăn nuôi lợn nái, vịt đẻ. Giờ thì mỗi năm mô hình cho thu lãi trên dưới 50 triệu đồng. Chị cho biết, năm 2006 không chỉ trả hết nợ ngân hàng mà năm qua, anh chị đã xây được nhà mái bằng, mua xe máy và sắm được nhiều vật dụng có giá trị khác.
Lê Liêu