Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là hoạt động sản xuất ở đây đang bị suy giảm nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi, thả.
Ô nhiễm do đâu?
Bị hấp dẫn bởi lợi nhuận lớn từ nuôi trồng thủy sản mang lại, thêm vào đó với tâm lý "làm giả ăn thật" nên bà con đã ồ ạt đào ao, đầm một cách tự phát, không quan tâm đến quy trình kỹ thuật như ao đầm ở kích thước, độ sâu bao nhiêu, nguồn nước cung cấp ở đâu, thay tháo nước như thế nào thì đảm bảo!
Một nguyên tắc cơ bản là trước khi thả một vụ mới phải mang mẫu nước đi xét nghiệm môi trường xem có phù hợp không, cũng không được nhiều người dân để ý đến. Một số người khi thấy tôm của gia đình bị bệnh lẽ ra phải báo cho cơ quan chức năng và cán bộ kỹ thuật đến xử lý, khoanh vùng tránh lây lan sang các đầm nuôi khác thì họ lại tự xử lý bằng cách tháo nước ô nhiễm ra kênh.
Ngay cả hệ thống kênh tưới cũng còn nhiều bất cập, nhiều nơi chưa có kênh cấp nước, kênh thoát nước riêng biệt; chất lượng nước chưa đảm bảo kỹ thuật ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản. Nguồn thức ăn thì đa phần người dân sử dụng loại tự chế biến, rẻ tiền nên khi cho ăn không đúng liều lượng sẽ bị dư thừa, lắng đọng, gây ô nhiễm.
Thêm vào đó, hiện trên địa bàn xã Kim Đông có 2 chợ thủy sản nhưng tình trạng vệ sinh môi trường ở các chợ này thật đáng báo động. Chợ Kênh Tưới họp ngay 2 bên đường, nền chợ bằng đất sình lội, rác thải có mặt khắp nơi, ngay cạnh chợ là con kênh cấp nước chính cho toàn vùng từ xã Kim Đông đến xã Kim Hải cũng bị người dân "vô tư" đổ nước, rác thải hai bên bờ. Mặc dù trong chợ có xây 4 thùng đựng rác bằng bê tông nhưng theo bà con cho biết là chưa bao giờ thấy được thu dọn.
Chị Đinh Thị Oanh, một người chuyên buôn bán thủy sản ở đây bức xúc nói: Họ vứt hết rác thải ra chợ, ra kênh, nhiều khi bán hàng cũng thấy mất vệ sinh nhưng cũng đành chịu. Ban quản lý chợ ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, rác thải không được thu gom, thỉnh thoảng Đoàn thanh niên có phát động làm vệ sinh nhưng vài ngày sau tình trạng lại đâu vào đấy.
Ông Trần Văn Sáng, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thủy sản cho biết: Không thể khẳng định được thủy sản được bầy bán tại các chợ có chứa mầm bệnh hay không nên việc đổ nước cũng như chất thải ra chính con kênh tưới cung cấp nước cho các đầm tôm ở đây sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường, dịch bệnh có thể lây lan ra toàn vùng.
Ông Trần Dình, Chủ nhiệm HTX thủy sản Kim Đông cũng xác nhận: Vài năm trở lại đây việc nuôi trồng thủy sản rất bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tỷ lệ nuôi thành công ít, điều này một phần do những thay đổi thất thường của thời tiết nhưng không loại trừ nguyên nhân từ chính nguồn nước ô nhiễm mà bà con lấy ở con kênh này.
Hệ quả tất yếu
Ô nhiễm nguồn nước tất yếu dịch bệnh sẽ xảy ra khiến cho diện tích nuôi trồng thủy sản bị suy giảm. Nếu 4-5 năm trở về trước, hoạt động nuôi trồng thủy sản của các xã như: Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, Cồn Thoi… rất phát triển, các cửa hàng cung ứng dịch vụ thức ăn, thuốc thú y thủy sản mọc lên san sát với trên 200 cơ sở đăng ký kinh doanh thì nay chỉ còn 5 cơ sở còn hoạt động nhưng cũng ở mức cầm chừng, lượng hàng tiêu thụ chỉ bằng 1/5-1/10 những năm cao điểm.
Ông Trần Văn Kỳ, một chủ kinh doanh thức ăn thủy sản ở xã Kim Đông tâm sự: Nhiều năm nay người dân nuôi thủy sản không có lãi nên họ không thả nữa, hoặc có thả thì thả ở mật độ thấp (4-5 con/m2) theo hình thức quảng canh, không cho ăn. Gia đình ông khi trước thường xuyên thả hơn chục mẫu tôm nhưng nay cũng chỉ nuôi vài mẫu.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết thêm: Xã Kim Hải hiện có 425 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 289 ha, năm 2008 một phần do thời tiết bất lợi cộng thêm môi trường bị ô nhiễm đã làm cho 49,7 ha tôm của 92 hộ trong xã bị chết, trong đó có hơn 4,6 ha bị mất hoàn toàn, còn lại chết rải rác 30-50%, do đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người dân và nhiều hộ dân không còn mặn mà với con tôm nữa.
Làm gì để thay đổi?
Trước tiên phải nâng cao ý thức của người dân, tăng cường phổ biến các kiến thức về quy trình nuôi, phương pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt trong điều kiện hạn chế về trình độ cũng như kinh tế của bà con. Về thực trạng rác thải ở 2 chợ thuộc xã Kim Đông, xã cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ mới tại cầu Trắng nhằm di chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh, buôn bán thủy sản về đó để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhanh chóng làm vệ sinh cải tạo kênh tưới. Huyện cũng cần có biện pháp nhằm thống nhất ý kiến giữa các xã cùng sử dụng nguồn nước từ kênh tưới để có thể định kỳ thay nước ở kênh này…
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ven biển Kim Sơn thì có rất nhiều việc phải làm và cần có thời gian nhưng hy vọng các cấp, các ngành sẽ nhanh chóng vào cuộc để khôi phục và phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản ở đây nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu