Với 80% là đồng bào dân tộc Mường, năm 2001, bản Xanh, xã Kỳ Phú (Nho Quan) được đón nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Đây là một trong những làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên của huyện Nho Quan. Người già của bản Xanh còn nhớ những con đường này ngày trước là nơi cỏ dại mọc. Đồi dứa, nương ngô ngày nay trước chỉ là đồi trọc... Thế mà nay tất cả đã đổi thay. Bộ mặt mới của sự ấm no, hạnh phúc đang nâng tầm vóc của bản Mường.
Từ khi có chủ trương xây dựng bản Xanh thành "Làng văn hóa cấp tỉnh", đảng viên trong chi bộ, trưởng bản và những người già đã lập nên hương ước của bản, dựa trên quy định của Nhà nước và trên nền tảng truyền thống văn hóa của bản. Chính vì thế, hương ước đã nhận được sự đồng thuận của dân bản, nhất là những người già, người có uy tín trong bản.
Trưởng bản Đinh Văn Luật đã trực tiếp đến vận động từng gia đình trong bản thực hiện nếp sống văn hóa mới, thực hiện hương ước, quy ước của bản, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa... Cán bộ xã, trưởng bản cũng như toàn thể đảng viên trong bản đều nhận thấy: Để bà con làm tốt điều này thì phải nâng cao đời sống vật chất, có ấm no thì bà con mới tin Đảng, tin vào chính sách của Nhà nước và mới chú ý đến xây dựng đời sống văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, nói rằng: "Ngày trước người ta chỉ mong sao không ăn hết lúa giống, thế mà nay bản Xanh không còn hộ đói. Thay cho nhà lá, nhà tranh là những ngôi nhà kiên cố. Nhiều hộ đã vươn lên phát triển kinh tế, trở thành hộ khá giả. Sước vươn này của người Mường thật đáng khâm phục".
Biểu diễn cồng chiêng của người Mường (Nho Quan). Ảnh: Phạm Trường.
Bản Xanh có diện tích khá rộng, với 250 ha. Những năm qua, ngoài việc phát triển cây lúa xã đã chỉ đạo bà con nuôi trồng những cây, con có năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai của bản. Đến nay, năng suất lúa đã đạt từ 2 đến 2,5 tạ/sào. Ngoài ra, xã cùng với bản đã vận động bà con xóa vườn tạp, trồng cây ăn quả. Những vườn nhãn, vải, đào hàng năm cho thu nhập cả triệu đồng. Bà con còn trồng mới được hàng chục ha rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tận dụng địa hình đồi núi, bà con đã phát triển chăn nuôi bằng những con nuôi có giá trị kinh tế cao như: Bò, hươu, ong...
Ngày trước xã Kỳ Phú chưa có hệ thống loa truyền thanh ba cấp thì bản Xanh đã có hệ thống loa truyền thanh để phục vụ công tác tuyên truyền và nâng cao đời sống tinh thần cho bà con... Từ khi có hệ thống loa truyền thanh, bà con dù đang làm đồng cũng vẫn được nghe thời sự, biết những thông tin khoa học kỹ thuật mới... Vì thế, nhận thức của bà con ngày càng tiến bộ, không còn giữ mãi những phong tục cổ hủ.
Trưởng bản Đinh Văn Luật nói: "Trước đây có đến vận động bà con thay đổi giống cây trồng, vật nuôi thì thật vất vả. Nhất là việc vận động bà con bỏ những phong tục cổ hủ của người Mường trong tổ chức ma chay, cưới xin. Nay nhờ có hệ thống loa truyền thanh, bà con nghe các nơi khác làm tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, có đời sống ấm no thì mới tin và làm theo". Bây giờ có việc gì trưởng bản chỉ cần thông báo trên loa là bà con làm theo, chứ không cần đến từng nhà vận động nữa.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được bà con trong bản ủng hộ nhiệt tình. Ngay cả những người trước đây mang nặng tư tưởng cổ hủ cũng đã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Vì họ hiểu rằng "xây dựng gia đình văn hóa để cho mình có cuộc sống tốt hơn và làm cho bản Xanh của mình thêm đẹp, thêm giàu".
Năm 2004, nhà văn hóa bản Xanh được xây dựng khang trang, theo mẫu nhà sàn truyền thống của người Mường, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng (trong đó 500 triệu đồng từ nguồn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hơn 200 triệu đồng là nguồn vốn huy động từ địa phương). Từ khi có nhà văn hóa, nhân dân trong bản có địa điểm để sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đồng thời là nơi hội họp, tìm hiểu, trao đổi các thông tin về chính trị, xã hội, kinh nghiệm trong lao động sản xuất.
Nếp sống mới của bà con nơi đây còn thể hiện ở việc nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục. Thanh niên trong bản không còn có hiện tượng bỏ học, 100% trẻ em đã được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, nhiều học sinh đã thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Ngoài cho con em học văn hóa, người bản Xanh luôn nhắc nhở con cháu phải giữ gìn truyền thống văn hóa, tiếng nói của người Mường. Những người già trong làng ngày ngày vẫn truyền lại cho lớp trẻ những điệu hát đúm, hát giao duyên, sắc bùa... Những câu chuyện thần kỳ từ khi "đẻ đất, đẻ nước" của người Mường nơi đây vẫn được các cụ cao niên kể lại cho con cháu, với mục đích mai này chúng có đi đâu lập nghiệp thì vẫn nhớ rằng mình đang mang trong mình dòng máu của người Mường bản Xanh.
Nguyễn Thơm