Trao đổi với Trưởng bản Đỗ Văn Luật được biết: Đạt được danh hiệu trên, cán bộ và nhân dân trong bản đã phải trải qua không ít cam go, thử thách, trước hết là phải vượt qua cái nghèo, cái khó, tư tưởng bảo thủ, những hủ tục lạc hậu truyền đời vốn đã thành tập quán của người dân qua nhiều thế hệ. Khi nhận chủ trương của xã, của huyện xây dựng bản Xanh thành làng văn hóa cấp tỉnh, chi bộ đã ra nghị quyết, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách đến từng hộ, cụm hộ, vận động bà con đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi; đổi mới thâm canh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, trong sinh hoạt tín ngưỡng, loại dần các hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng… Muốn thực hiện được mục tiêu trên, cán bộ, đảng viên đã tình nguyện đi đầu, làm trước, vận động bà con thực hiện quy ước, hương ước của xã, của bản, đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Lãnh đạo xã Kỳ Phú, cán bộ, đảng viên bản Xanh đều nhận thức rằng, một trong những mục tiêu hàng đầu để xây dựng đời sống văn hóa là phải nâng cao đời sống vật chất cho bà con, có no ấm thì người dân mới chăm lo đến đời sống văn hóa, tinh thần.
Đảng bộ xã Kỳ Phú đã chỉ đạo nhân dân đưa những giống cây, con có năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu để gieo trồng, chăn thả. Bước đầu không phải bà con đã chấp nhận ngay, nhiều gia đình đảng viên tình nguyện làm trước. Năm đầu tiên đưa giống lúa mới vào gieo cấy, gia đình Trưởng bản Đỗ Văn Luật và nhiều cán bộ, đảng viên khác đã đạt từ 2 tạ đến 2,5 tạ/sào. Kết quả đầy sức thuyết phục ấy đã làm cho những người bảo thủ nhất cũng thấy không còn lý do gì mà ngoảnh mặt đi. Xã đã liên hệ với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty mía đường Việt Đài (Thanh Hóa) hướng cho người bản Xanh cải tạo đồi hoang trồng mía, dứa bán cho các đơn vị trên. Ngoài ra, xã và bản còn hướng dẫn cho bà con xóa vườn tạp trồng cây ăn quả. Những vườn nhãn, vải hàng năm cũng cho bà con thu hoạch ít nhất từ 5 đến 7 triệu đồng. Người bản Xanh đã vươn rộng vòng tay trong phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã biết tận dụng thế mạnh đồi rừng vào phát triển chăn nuôi bò, hươu, ong lấy mật. Được Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, đã có hàng chục gia đình nuôi bò, hươu tập trung, ít cũng từ 5 đến 10 con, nhiều thì từ 20 đến 40 con. Đến thăm trang trại của ông Bùi Xuân Thủy có đàn hươu trên 40 con và hàng trăm bọng ong, mỗi năm cho thu hoạch trên trăm triệu đồng. Ông Thủy cho biết, nuôi ong đang được các gia đình ở đây chú trọng, vì nuôi ong vốn đầu tư ít, điều kiện chăm sóc đơn giản nhưng lại cho giá trị cao. Mỗi bọng ong một năm cho thu từ 10 đến 12 lít mật, mỗi lít bán ra bình quân 90.000 đồng. Đến nay không ít gia đình có từ 30 đến 50 bọng ong, đã giúp cho người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Thấm nhuần những giá trị mà cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa đem lại, bà con không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn nêu cao tinh thần "lá lành đùm lá rách". Từ lâu, người bản Xanh đã cùng nhau xây dựng quỹ, giúp các hộ nghèo xóa nhà tranh, vách đất. Số tiền tuy không lớn, mỗi hộ mỗi năm góp vào từ 10 đến 15.000 đồng nhưng lâu dần cũng có được số tiền kha khá, cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước, đến nay bản Xanh đã xóa xong nhà dột nát.
Những năm trước đây, khi xã Kỳ Phú chưa có Đài truyền thanh 3 cấp, bản Xanh đã có hệ thống loa truyền thanh phục vụ có hiệu quả đời sống tinh thần của bà con, vừa thông báo việc làm hàng ngày của bản, vừa phổ biến việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi, về bảo vệ thực vật, phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền về bảo vệ pháp luật, về sinh đẻ kế hoạch, nếp sống văn minh. Việc tuyên truyền được duy trì hàng ngày, đã làm cho người dân bản thấu hiểu "ý Đảng, lòng dân" mà chung sức, chung lòng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp. Trưởng bản Đỗ Văn Luật cho hay, do làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của bà con đã thay đổi, những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, trong sinh hoạt tín ngưỡng đều được loại bỏ.
Được sự quan tâm của Nhà nước, nhà văn hóa bản Xanh sớm được xây dựng khá khang trang theo mẫu nhà sàn truyền thống của người Mường với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng, trong đó 500 triệu đồng được cấp từ dự án xây dựng một số làng, bản văn hóa thuộc vùng xa, vùng sâu đặc biệt khó khăn của Bộ Văn hóa - Thể thao ban hành từ năm 2004, đã thành mái nhà để bà con đến đây hội họp, chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa giải những mâu thuẫn nảy sinh trong họ tộc, gia đình. Nếp sống văn hóa mới ngày càng được quan tâm. Thanh, thiếu niên trong bản không còn bỏ học, 100% dân cư được phổ cập đúng độ tuổi. Người bản Xanh còn nhắc nhở con em không chỉ học tốt cái chữ mà còn phải học để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Mường. Đến với bản Xanh bây giờ, nhà nào cũng có ti vi, có tới 70% hộ có xe máy, có điện thoại riêng, trên 90% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Với những nỗ lực trên, bản Xanh đã giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa cấp tỉnh".
Lê Liêu