Sản xuất lương thực liên tục được mùa.
Đầu tháng 4-1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập sau khi tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh. Khi đó Ninh Bình là một tỉnh thuần nông, nông nghiệp phát triển chậm, trình độ canh tác lạc hậu, đồng ruộng manh mún, năng suất và sản lượng lúa thấp, lương thực không đủ cung cấp cho nhu cầu nội bộ nhân dân trong tỉnh, thiếu ăn, nghèo đói chiếm tỷ lệ cao ở các vùng nông thôn. Năm 1992, tổng diện tích gieo cấy lúa của cả tỉnh chỉ là 74.274 ha (vụ đông xuân 38.729 ha, vụ mùa 35.517 ha), năng suất bình quân năm là 70,63 tạ/ha và tổng sản lượng lúa là 262.550 tấn, thì đến năm 2001, diện tích gieo cấy lúa của cả tỉnh đã là 83.240 ha, năng suất bình quân năm đạt 105,55 tạ/ha với sản lượng thóc là 440.381 ha. Như vậy chỉ sau 10 năm tái lập tỉnh, nền nông nghiệp tỉnh nhà đã có những bước tiến "nhảy vọt", khá toàn diện trên các lĩnh vực mà thành tựu nổi bật nhất chính là ở lĩnh vực sản xuất lương thực với diện tích, năng suất và sản lượng lúa ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001, năng suất lúa bình quân năm trong toàn tỉnh đã tăng gấp 2 lần và sản lượng lúa gấp 2,3 lần so với năm trước khi tái lập tỉnh; ngoài ra còn sản xuất ra hàng trăm tấn lương thực khác như: ngô, khoai, sắn… Tại thời điểm đó, từ một tỉnh sản xuất lương thực không đủ ăn đã vươn lên không chỉ đảm bảo đủ mà còn có phần dư thừa và tạo điều kiện cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, chăn nuôi, thủy sản, chế biến… phát triển.
Cùng với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, năng suất và sản lượng lúa cũng được tăng cao. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến năm 2010 toàn tỉnh gieo cấy được 81.097 ha lúa các loại, năng suất cả năm toàn tỉnh đạt 120 tạ/ha, sản lượng thóc cả năm đạt 485.385 tấn. Ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Chỉ tính riêng ở sản lượng thóc thì đã đủ cung cấp cho nhu cầu sinh sống của nhân dân, đồng thời còn dư thừa mỗi năm khoảng vài trăm nghìn tấn. Trong việc gieo cấy lúa, các địa phương và hộ gia đình nông dân đã chú trọng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng của nhân dân trong tình hình hiện nay, khi mà đã có "của ăn, của để", tập tính "ăn no, mặc ấm" được thay thế bằng "ăn ngon, mặc đẹp".
Và những nguy cơ bất ổn
Phải thừa nhận rằng, sản xuất nông nghiệp của nước ta, nhất là ở lĩnh vực sản xuất lương thực đã có những thành công và kết quả rất đáng tự hào. Từ một nước thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực, đến nay nước ta đã xuất khẩu gạo chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới và đứng thứ 2 trong số các nước xuất khẩu gạo. Sản lượng lúa chiếm tới 90% sản lượng cây lương thực và liên quan đến cuộc sống, việc làm của 80% số hộ dân. Viện nghiên cứu lúa thế giới (IRRI) cho biết: Sự biến đổi của khí hậu, gia tăng dân số… đã làm cho nạn thiếu lương thực xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người, chủ yếu ở các nước châu Phi. Việt Nam tuy là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về an ninh lương thực, đó là: nằm trong "vùng xoáy" của tác động tăng dân số, dân số tăng thì nhu cầu về cuộc sống, trong đó có nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng gia tăng. Đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Thiên tai, lũ lụt, hạn hán xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ và quy mô ngày càng lớn; đó cũng là hậu quả của sự biến đổi khí hậu, sự hủy hoại môi trường của con người. Những trận lũ lụt liên tiếp xẩy ra trong thời gian qua ở miền Trung, hay những đợt nóng nắng gay gắt trong mùa hè, hạn hán kéo dài trong phạm vi rộng mùa khô… là những bằng chứng cho thấy sự khắc nghiệt của thiên tai đối với con người và sản xuất nông nghiệp, không chỉ giảm năng suất cây trồng, cây lương thực mà nhiều nơi còn mất trắng và hậu quả của nó còn ảnh hưởng kéo dài đến sản xuất nông nghiệp ở vụ sau, năm sau. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Đây cũng chính là thách thức lớn nhất của nền nông nghiệp tỉnh nhà, nhất là từ khi có sự biến đổi của thời tiết, khí hậu tác động xấu đến đất nước ta. Mặt khác dịch bệnh và các đối tượng gây hại xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, quy mô, mức độ ngày càng lớn, ảnh hưởng nhiều đến năng suất và sản lượng cây trồng. Các đối tượng gây hại nguy hiểm trên cây lúa: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu dục thân, chuột hại… vẫn còn hoành hành, gần đây lại xuất hiện bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, lùn xoắn lá hại lúa mà ngành Nông nghiệp cũng chưa có biện pháp nào phòng trừ hữu hiệu… Đó là những nguy cơ tiềm ẩn và đang hiện hữu trong thực tiễn sản xuất ở tỉnh ta. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc ổn định diện đất trồng lúa, tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng và đi kèm với nó là những chủ trương, chính sách về mặt xã hội; dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đó chính là những cơ sở và giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc nội mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới.
Trường Sinh