Trong khi các cơ sở Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì mầm non tư thục đang giải quyết một phần rất lớn nhu cầu gửi con trẻ của các bậc phụ huynh và đây cũng là một loại hình giáo dục sẽ phát triển mạnh khi xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý và chất lượng nuôi dạy của các cơ sở mầm non tư thục đang là vấn đề bức xúc của xã hội.
Sau hàng loạt những vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em tại các cơ sở mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình làm xôn xao dư luận xã hội, vừa qua Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các Sở Giáo dục - Đào tạo phải rà soát lại các cơ sở mầm non tư thục trong tỉnh và có sự quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở này.
Qua các đợt kiểm tra của Sở Giáo dục - Đào tạo cho thấy, một thực trạng không mấy sáng sủa của các cơ sở mầm non tư thục ở tỉnh ta, chỉ có khoảng 10-20% số cơ sở đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, sân chơi, trường lớp…, sự quản lý của các cơ quan chức năng đang bỏ ngỏ trước sự mở rộng không ngừng của các cơ sở này.
Đồng chí Lã Thị Lụa, Trưởng phòng giáo dục Mầm non của Sở cho biết: "Các cơ sở mầm non tư thục được quản lý theo hình thức chính quyền địa phương cấp giấy phép hoạt động và ngành Giáo dục theo dõi về mặt chuyên môn". Từ sự phân cấp này có thể dẫn đến nhiều khe hở trong vấn đề quản lý về con người và chất lượng nuôi dạy trẻ.
Tại các cơ sở này đã phát hiện nhiều vấn đề như: Cơ sở vật chất quá yếu, không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của một mô hình giáo dục mầm non như phải có nhà vệ sinh, có bếp ăn, sân chơi… Tất cả đều "dùng chung" với gia đình. Hơn nữa, đa số những người đứng ra nhận lớp đều không có trình độ sư phạm, không có bằng cấp nhưng vẫn được chính quyền địa phương cho mở lớp.
Trong tổng số 528 giáo viên mầm non dân lập, tư thục thì có gần 90% giáo viên ở trình độ dưới chuẩn, chủ yếu các cô chỉ tham gia các lớp đào tạo ngắn ngày của ngành rồi về mở lớp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nuôi dạy và sự phát triển tư duy của trẻ. Đồng chí Lã Thị Lụa khẳng định "chất lượng nuôi, dạy trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục hầu hết không đảm bảo mà chỉ mang tính chất trông trẻ là chính".
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay các cơ sở mầm non công lập, bán công của nhà nước không thể đáp ứng hết nhu cầu của xã hội nên buộc phụ huynh phải tìm đến những cơ sở tư thục. Chị Minh (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Cháu nhà tôi mới được 20 tháng, vì vậy không muốn gửi ở trường mầm non của phường mà gửi ở cơ sở tư nhân quen biết để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.
Nhưng lớp chỉ có 2 cô mà đến 8 cháu nhỏ thì nguyên việc chăm sóc cho ăn, ngủ, vệ sinh đã mất cả ngày rồi nên các cô không có nhiều thời gian để hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi bổ ích, phân biệt màu sắc… |
Các cháu vui chơi ngày Tết Trung thu. |
Ngoài việc tin tưởng về chế độ chăm sóc của các cơ sở tư nhân thì nhiều phụ huynh còn muốn gửi con ở đó do vấn đề thời gian, nhất là đối với những phụ huynh làm các công việc tự do, không có thời gian cố định. Chị Bích (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Gia đình tôi buôn bán nên rất bận, nhất là mùa hè, trong khi đó các trường mầm non của Nhà nước lại nghỉ hè. Hơn nữa gửi ở cơ sở tư nhân có thể đón và gửi bất kỳ lúc nào, có đón cháu muộn một chút thì cũng không lo. Có ngày 9h tối gia đình tôi mới đón cháu về, về đến nhà cô đã cho ăn nên cháu đi ngủ luôn. Cháu còn nhỏ nên chúng tôi cũng chưa nghĩ đến việc phải dạy kiến thức cho trẻ, chỉ mong sao cháu ngoan là được".
Không ai phủ định sự cần thiết của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và xu hướng phát triển của nó. Song làm thế nào để mầm non tư thục đi đúng quỹ đạo, đảm bảo có sự thống nhất quản lý, phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh những sai lầm đáng tiếc, góp phần vào thành tích chung của ngành Giáo dục - Đào tạo. Câu hỏi đó được đặt ra không phải chỉ với ngành Giáo dục - Đào tạo, mà còn là vấn đề của chính quyền cơ sở, nơi gần dân nhất.
Linh Nhi