Qua tìm hiểu được biết, hình thức giáo viên bắt học sinh chép phạt không phải là mới, mà đã diễn ra từ lâu và vấn đề này không có quy định cụ thể. Có chăng chỉ là sự thống nhất giữa giáo viên và phụ huynh để bắt học sinh phải ghi nhớ.
Trong lúc chuyện dùng đòn roi đối với học sinh đang bị cho là phản giáo dục thì việc áp dụng biện pháp giáo dục khác, chẳng hạn như buộc học sinh chép phạt là cần thiết.
Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp chép phạt nếu làm quá máy móc và "đại trà" thì chưa hẳn có tác dụng giáo dục hiệu quả. Bởi lẽ, nội dung chép phạt có khi không đi vào trọng tâm của vấn đề. Chẳng hạn, học sinh không thuộc bài, cô giáo lại cho chép lại 50 câu "Từ nay trở đi em sẽ học thuộc bài trước khi đến lớp".
Cách làm này, thành thật mà nói, chỉ có tác dụng giúp học sinh rèn chữ (với học sinh tiểu học), còn để các em thuộc bài thì chưa hẳn. Vì bị ám ảnh bởi chuyện chép phạt, có em không còn tâm trí để tập trung vào học tập.
Có em do tố chất, năng lực học tập hạn chế, dường như môn nào, lần nào giáo viên gọi lên kiểm tra bài cũ đều không thuộc bài mà các thầy, cô giáo lại liên tục và thường xuyên áp dụng "lệnh" chép phạt mấy nghìn lần cũng là điều không nên.
Trong muôn vàn chuyện của ngành Giáo dục, đây là một chuyện rất nhỏ. Tuy nhiên, hình thức này vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định việc áp dụng các hình thức phạt dành cho học sinh là cần thiết, nhưng thầy, cô giáo nên cân nhắc tùy từng trường hợp mới sử dụng biện pháp "chép phạt" đối với học sinh.
Quang Khải