Bãi Cả là thôn thuần nông, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhân dân trong thôn đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng mạnh vào sản xuất hàng hóa. Với trên 42 ha đất canh tác, thôn đã đưa cây mía vào sản xuất, chiếm trên 50% diện tích canh tác, diện tích còn lại trồng cây ngô, sắn..., giá trị 1 ha canh tác đạt trên 70 triệu đồng. Ngoài phát triển nông nghiệp, thôn Bãi Cả còn chú trọng phát triển chăn nuôi, đưa vào nuôi các con đặc sản như: Hươu, dê, nhím, tắc kè...
Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cuộc sống của người dân thôn Bãi Cả ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 1995, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm tới 40% thì nay giảm xuống dưới 10%, số hộ khá, giàu đạt gần 70%. Đến nay, trên 90% hệ thống đường giao thông được đổ bê tông; 100% các hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sạch, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, bề thế; 100% hộ gia đình có nhà kiên cố.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa những năm qua đã đem lại sự đổi mới toàn diện ở thôn Bãi Cả. Các gia đình trong thôn ngoài việc phát triển kinh tế còn chú trọng việc học của con trẻ. Trong nhiều năm qua, thôn không có học sinh bỏ học ở bậc học phổ thông. Số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng, học theo chương trình cử tuyển đạt khá cao. Hiện nay thôn có 24 cháu đang theo học đại học, cao đẳng. Nhiều gia đình trong thôn có 2-3 con học đại học như gia đình bác Đinh Minh Xuân có 3 con học đại học; gia đình bác Bùi Văn Hương có 2 con học đại học...
Nhân dân trong thôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước, quy ước của thôn. 10 năm qua, thôn không có người sinh con thứ 3, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp, không có các tệ nạn xã hội. Các gia đình đều tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đám cưới, đám tang được tổ chức gọn nhẹ. Gia đình khi có người thân qua đời, Ban công tác Mặt trận thôn cùng với gia đình lo liệu chu tất, bảo đảm thuần phong mỹ tục của địa phương.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở thôn Bãi Cả hoạt động khá mạnh. Ông Đinh Minh Huân, Trưởng thôn cho biết: Hàng năm vào các dịp lễ, Tết hay các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, thôn đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao, đặc biệt là tổ chức các trò chơi dân gian của người Mường như: đánh mảng, ném còn, bắn nỏ... Nhiều năm nay, thôn luôn duy trì hoạt động của đội văn nghệ với hầu hết các hội viên trong các tổ chức đoàn thể tham gia, hoạt động của đội bóng chuyền và câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3... Năm 2012, thôn Bãi Cả có 60 hộ đạt gia đình văn hóa, trong đó có 32 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2012 thôn Bãi Cả được công nhận là làng văn hóa. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với người dân trong thôn để họ tiếp tục đoàn kết thi đua, phấn đấu sớm đưa Bãi Cả hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Bài, ảnh: Minh Quang