Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa ban hành hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng. Theo đó, các điều kiện để đạt danh hiệu thi đua từ cá nhân đến tập thể (tổ bộ môn, khoa, trường, phòng giáo dục - đào tạo, sở giáo dục - đào tạo...) không còn các tiêu chí "phần trăm lên lớp, phần trăm khá giỏi" trong học sinh.
Với mỗi đối tượng, chỉ yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt bậc phổ thông không có biểu hiện gian dối trong quá trình đánh giá cho điểm, xếp loại học sinh; với các nhà trường thì bảo đảm số lượng phát triển vững chắc, giáo dục toàn diện cho học sinh. Các trường đại học phải gắn hoạt động của nhà trường với thực tiễn và các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác thi đua thực hiện theo nguyên tắc không gò ép để đạt số lượng; không bắt buộc theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn. Chiến sĩ thi đua cơ sở chọn trong số cá nhân tiêu biểu đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, cá nhân đó nhất thiết phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật hoặc áp dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, được Hội đồng khoa học cấp cơ sở xét công nhận.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng vừa ra văn bản sửa đổi độ tuổi dự tuyển vào THCS và THPT, theo hướng quy định "mềm" hơn, nâng cao hơn độ tuổi "đầu vào". Theo đó, học sinh dự tuyển vào học lớp 6 có thể từ 11 đến 13 tuổi, dự tuyển vào lớp 10 từ 15 đến 17 tuổi. Một số trường hợp được vào cấp học cao hơn tuổi quy định; được cao hơn một tuổi nếu người học là nữ, người học từ nước ngoài về nước; được cao hơn hai tuổi nếu người học là người dân tộc thiểu số, người học ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người học bị khuyết tật, tàn tật, kém phát triển thể lực và trí tuệ, người học mồ côi, không nơi nương tựa, người học trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước. Văn bản này cũng quy định: Nếu trình độ bảo đảm và được cho phép vào học trước tuổi, học vượt lớp thì tuổi dự tuyển được giảm theo số năm đã được cho phép.
Theo Nhandan