Diệu kỳ… Dạ cổ hoài lang
Bạc Liêu không "giành" tiếng là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) vì đó là công góp nhặt của hơn 20 tỉnh-thành Nam Bộ, mà chỉ khiêm tốn trong cuộc hầu chuyện với bè bạn, xưng đúng bản chất "là một trong những cái nôi của ĐCTT" mà thôi.
Khởi nguồn từ Dạ cổ hoài lang của nhạc sỹ Cao Văn Lầu, những thế hệ nối tiếp đã làm nên sự diệu kỳ! Vì sao gia đình Cao Văn Lầu từ Long An trôi nổi đến đất Bạc Liêu? Số là, khi đưa cả gia đình chạy trốn sự ức hiếp của bọn Tây Dương, thân sinh Cao Văn Lầu là ông Cao Văn Giỏi đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè, họ mách với ông rằng, "miệt ấy đất rộng người thưa, làm chơi ăn thật, chim chóc, cá mắm đầy đồng…". Cái chất tài tử nó nằm ở đây! Thời còn loạn ly, ở đâu cũng chịu cảnh cơ hàn nhưng chính men tài tử đã ướp cho vùng đất này cái vị ngọt quyến rũ người phương xa tìm về sinh cơ lập nghiệp…
Cảnh tam niên vô tự bất thành thê của Cao Văn Lầu sau này nhìn lại, âu cũng là duyên phận để Dạ cổ hoài lang được thai nghén… trước, vì sau khi Dạ cổ hoài lang ra đời, đôi vợ chồng đã sinh đến bảy người con?! Phải đợi Dạ cổ hoài lang thành hình, câu chuyện nối dõi tông đường của nhà họ Cao mới có hồi kết đẹp… Rồi cái duyên tài tử lại đưa đẩy để Dạ cổ hoài lang phát triển lên tầm cao mới. Dạ cổ hoài lang được nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ ở Bạc Liêu như Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Năm Nhỏ, Lý Khị... mở dòng chảy để bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 trở thành bài ca chủ chốt trong phong trào Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ sau này…
Bạc Liêu đã đón một người khách tha phương và cái duyên của đất này đã mở đường cho người nhạc sỹ tài hoa tạo nên một tuyệt phẩm, đưa đẩy cho những trái tim tài tử hội ngộ, góp công, góp men tài tử để bài vọng cổ trường tồn.
Đất sinh… tài tử
Tiệc nào cũng thế, miễn có chút hơi men thì người ta lại ngân nga vọng cổ. Đám cưới ca vui vầy, chúc phúc; đám tang rót những lời tiễn biệt người đi… Dân Nam Bộ, ai cũng có những vở cải lương hay bài vọng cổ "tủ" của mình. Anh nông dân gặt lúa để cái radio bên bờ ruộng nghe chương trình vọng cổ theo yêu cầu, mấy ông già thì trưa nào hổng có radio nghe cải lương là không ngủ được. Anh cán bộ cơ quan nhà nước cũng mượn vọng cổ để thư giãn, riết rồi… mê. Có lần tôi còn nghe thằng nhóc bán kẹo kéo vô câu vọng cổ ngọt lịm như nghệ sỹ trên sân khấu "Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà..." … Những con người quá ư là… tài tử. Họ không phải là nghệ sỹ nhưng thích, biết và ca vọng cổ rất mùi.
Chiều phương Nam
Đất sinh tài tử rồi cũng dưỡng họ thành những tài năng. Điểm lại giải Chuông vàng vọng cổ, Bạc Liêu từng 2 lần đoạt chuông vàng (Ngọc Đợi và Huyền Trang), 2 lần đoạt chuông bạc (Quốc Phòng và Ngọc Hoa), nhiều lần vào chung kết cuộc thi; rồi những huy chương giải Trần Hữu Trang, các liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc; ngoài ra, Bạc Liêu còn có những đội hình Đờn ca tài tử hễ thi là đậu với những tên tuổi như: Tư Loan, Thanh Sử, Hồng Quyên, Hoài Thương, Tuấn An…
Bạc Liêu cũng rất… tài tử khi tính chuyện dạy dân hát bài Dạ cổ hoài lang; soạn thảo, đưa dòng nhạc truyền thống Nam Bộ này vào trường học chuyên nghiệp… Có lẽ khi sáng tác ra Dạ cổ hoài lang, người nhạc sỹ đã không nghĩ đến ngày người ta đặt đứa con tinh thần của mình ở một vị trí trang trọng, đối xử với "con" mình bằng một thái độ đầy tính văn hóa.
Và những mối lương duyên… tài tử!
ở đất Bạc Liêu, có nhiều gia đình truyền thống đam mê Đờn ca tài tử, từ đời cha mẹ truyền sang đời con cái, rồi cả cháu chắt. Có thể điểm qua gia đình nghệ nhân Thanh Xuân (thành phố Bạc Liêu), gia đình Minh Luận, gia đình Trung Kết (huyện Giá Rai), gia đình Mai Hữu Thành (huyện Phước Long), gia đình Nguyễn Văn Trắng (huyện Vĩnh Lợi)… Lại điểm qua những anh tài trong các liên hoan ĐCTT hay các hội thi vọng cổ thì y như rằng, yếu tố nợ duyên, huyết thống luôn hiện hữu. Tay đờn kìm tài hoa Ngọc Cần là con gái một gia đình có bề dày thành tích về ĐCTT; Nguyễn Chí Luông, Nguyễn Chí Tâm đoạt giải nhì tại hội thi giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu năm 2006 là anh em ruột trong gia đình đam mê ĐCTT; giải nhất của hội thi này (sau đó cũng là chuông vàng vọng cổ năm 2007, HCV giải Trần Hữu Trang năm 2011)- Ngọc Đợi là con gái rượu một gia đình ĐCTT ở huyện Hòa Bình; kép Hoàng Nhất cũng xuất thân trong một gia đình có truyền thống về ĐCTT ở Long Điền (huyện Đông Hải)...
Chính cái duyên nợ tài tử đã đẩy đưa để ĐCTT luôn có sự kế thừa bằng tâm huyết, rồi ràng buộc cả chuyện trăm năm của những ai đã bén duyên với nó. Thế mới có chuyện cô vợ lấy anh chồng chỉ vì mê… cái ngón đờn kìm, tình nguyện nâng khăn sửa túi, chăm nom nhà cửa để chồng đó đây đờn ca hát xướng. Đi cả tháng về cái túi trống trơn, đờn ca mà, đâu ai câu nệ chuyện tiền bạc! Chắc chỉ có duyên tài tử mới thắm nồng đến vậy!
Bạc Liêu đâu chỉ hào phóng với danh tiếng công tử Bạc Liêu mà còn là vùng đất hội tụ những trái tim tài tử, họ đã góp thêm tinh túy làm dày giá trị một di sản văn hóa thế giới! Và người có tâm huyết vì sự phát triển của Bạc Liêu đã chọn gam màu độc đáo này để tô vẽ cho bức tranh văn hóa Bạc Liêu, làm dày thêm hành trang để Bạc Liêu đi lên từ văn hóa.
Cẩm Thúy