Bên những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát là những con đường bê tông khang trang, rộng rãi, sạch đẹp được trang trí bởi những ánh đèn màu lấp lánh. Điều đáng ghi nhận hơn cả chính là sự thay đổi trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân nơi đây sau hơn 2 năm được ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình điểm "Đạo công giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu".
Đồng chí Phạm Đức Thọ, Chủ tịch ủy ban MTTQ xã Ninh Hòa cho biết: Ninh Hòa là xã miền núi có đông đồng bào Công giáo, chiếm tỷ lệ trên 40%, trong đó có 2 thôn là áng Sơn và Đại áng là thôn Công giáo toàn tòng, có 1 nhà thờ chính xứ, 3 nhà thờ giáo họ. Năm 2017, Giáo xứ áng Sơn được Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm "Đạo Công giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu", và "Xây dựng xứ, họ đạo bình yên về ANTT". Để triển khai thực hiện, Ban Thường trực ủy ban MTTQ xã đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch; thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện mô hình điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. BCĐ thường xuyên phối hợp với Ban Chấp hành (BCH) Giáo xứ, tranh thủ sự giúp đỡ của Linh mục tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường đối với sức khỏe con người và công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi người dân để giáo xứ thật sự trở thành giáo xứ sáng, xanh, sạch, đẹp.
Dưới sự hướng dẫn của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, BCH Giáo xứ đã phát động và đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể để xây dựng mô hình điểm, trong đó tập trung tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng dân cư trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát động, tổ chức các phong trào, hoạt động để đồng bào công giáo và dân cư tham gia thực hiện bảo vệ môi trường; thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường của khu dân cư. Đồng thời tổ chức họp với bà con giáo dân ở khu dân cư, thống nhất các nội dung cam kết tham gia bảo vệ môi trường của từng hộ gia đình với các nội dung cụ thể như: Giữ gìn nơi ở của gia đình sạch sẽ, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom và để rác thải đúng nơi quy định, đổ rác đúng giờ; thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt; giữ gìn vệ sinh chung, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng sạch sẽ; không thả rông súc vật; trồng và bảo vệ cây xanh...; Đồng thời thực hiện bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh như: Chuồng trại chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, không để khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm; không vứt vỏ bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sau khi sử dụng; thực hiện thu gom để vào các bể chứa chung để xử lý đúng quy trình… Ngay năm đầu tiên phát động (2017), trong Giáo xứ đã có 100% các hộ giáo dân ký cam kết thực hiện phong trào "Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng xứ, họ đạo bình yên". BCH Giáo xứ phối hợp thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới hàng năm 5/6 và các hoạt động chống biến đổi khí hậu do giới trẻ giáo xứ tổ chức thực hiện.
Với các giải pháp đồng bộ, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã phát huy kết quả tích cực trong cộng đồng giáo xứ, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Đinh Quang Dân, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn áng Sơn cho biết: Việc thu gom rác thải đã đi vào nề nếp, các hộ gia đình đã thực hiện phân loại rác thải, đúng nơi quy định, không xả nước thải, chất thải ra đường. Thôn thành lập một tổ thu gom rác thải gồm 5 người, vào sáng thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, rác thải được thu gom về địa điểm tập kết, trung chuyển vào khu xử lý rác thải của tỉnh. Người dân trong thôn thực hiện tổng vệ sinh vào ngày 27 hàng tháng; tổng vệ sinh trong khuôn viên thánh đường vào sáng thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ lớn của Giáo xứ; tham gia thu vớt bèo bồng, vật cản trên dòng sông Chanh và khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương... Nhân dân còn tự nguyện hiến khoảng 5.000m2 đất xây dựng nhà tang lễ tại khu vực nghĩa trang nhân dân để khi có người qua đời sẽ làm lễ an táng tại nhà tang lễ, không đưa thi hài người quá cố vào thánh đường làm lễ như trước đây.
Ông Nguyễn Minh Hạ, Chánh trương Giáo xứ áng Sơn khẳng định: Mô hình điểm giáo xứ tự quản về môi trường là mô hình có ý nghĩa thiết thực, nhất là với địa bàn nông thôn, nơi phần lớn người dân chưa có nhận thức cao về công tác vệ sinh môi trường. Với hiệu quả rõ rệt đó, mô hình "Đạo công giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" cần được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới, góp phần từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Khải Hoàn