Theo tính toán, chi phí để sản xuất cho 1 sào lúa (bao gồm từ khâu làm đất, cấy, làm cỏ, chăm sóc đến khi thu hoạch, cộng thêm các chi phí vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) vào khoảng 780.000 đồng. Với năng suất lúa bình quân là 2,5 tạ/sào và giá hiện thời là 4.800 đồng/kg, lãi thu được chỉ trên dưới 400.000 đồng/sào. Chị Nguyễn Thị Tần (phố Trung Nhì, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) cho biết: Nhà chị có 3 sào lúa, thu nhập chẳng được là bao, đấy là chưa kể những lúc bão gió, sâu bệnh, mất mùa. Chị vẫn còn cấy lúa chỉ vì tiếc ruộng bỏ hoang, làm để lấy gạo ăn trong nhà chứ không trông chờ gì vào nguồn thu nhập từ trồng lúa.
Ở Ninh Bình, vấn đề ANLT cũng luôn được các cấp chính quyền đặt lên hàng đầu và được thể hiện cụ thể qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với số dân hiện tại là hơn 900.000 người và mức độ tăng dân số bình quân khoảng 8-10 %o và mục tiêu của chúng ta là một năm phải sản xuất được 46 vạn tấn lương thực. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với việc duy trì và ổn định diện tích 75 nghìn ha trồng lúa/năm và sự quan tâm áp dụng KHKT để năng suất lúa bình quân đạt trên 11 tấn/ha/năm thì sản lượng lương thực các năm của tỉnh đều vượt chỉ tiêu đề ra. Với mức tiêu dùng lương thực bình quân là 300 kg/người/năm thì hàng năm chúng ta vẫn dư thừa ra khoảng 19 vạn tấn lương thực dành cho dự trữ. Để khuyến khích người nông dân trồng lúa, thời gian qua cũng đã có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên cụ thể đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Lợi ích của người trồng lúa ngày một được quan tâm. Các công trình thủy lợi nội đồng, công trình đầu mối được Nhà nước và tỉnh đứng ra đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, tránh hiện tượng mất mùa do mưa bão, hạn hán. Đến năm 2007, kiên cố hóa kênh mương đã đạt 75%, đường giao thông nông thôn được cải tạo, làm mới (rải nhựa, đổ bê tông…) Đầu tư trên 33 tỷ đồng làm thủy lợi, góp phần tăng cường năng lực phục vụ sản xuất. Công tác phòng, chống lụt bão được coi trọng, từ năm 2006 đến nay đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng cho một số công trình có khối lượng lớn như: Đê Bình Minh II, đê tả Hoàng Long, đê Đầm Cút, góp phần nâng cao khả năng phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho sản xuất cũng như cuộc sống của người dân; bỏ khoản thu thủy lợi phí. Thêm vào đó mỗi năm có hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được mở cùng với việc tăng cường cung cấp thông tin qua sách báo và đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào đồng ruộng nhằm giúp nông dân mở rộng hiểu biết, lựa chọn phương pháp sản xuất thích ứng. Kết cấu hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn cũng được tăng cường. Đến nay, 100% huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh có đường truyền cáp quang, 80% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã. Nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và đời sống trong những năm qua cơ bản được đáp ứng.
Như vậy, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua những chính sách hỗ trợ sản xuất, cải thiện và nâng cao mức sống của người nông dân, tin rằng người dân sẽ gắn bó hơn với đồng ruộng và ANLT sẽ không còn là vấn đề phải quan tâm của Ninh Bình.
Nguyễn Lựu