Buổi sáng hôm ấy, khi các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy nông trường đang hội ý với lãnh đạo của tỉnh Ninh Bình về việc tổ chức đón Bác như thế nào thì đã nghe thấy tiếng ô tô mỗi lúc một gần và sau đó 3 chiếc xe con từ phía đường trước mặt leo lên dốc rồi dừng lại trước khu nhà làm việc của Đảng ủy, nay là Nhà Bảo tàng của Thành phố Tam Điệp. Hạnh phúc lớn lao đến quá đột ngột làm cho mọi người vừa hồi hộp vừa sung sướng. Tất cả đều đứng dậy và ra sân đón Bác. Bác giản dị trong bộ quần áo màu sáng may bằng vải lụa Hà Đông. Trên vai Bác vắt hờ một chiếc khăn quàng. Bác đội mũ cát, chân đi đôi dép cao su quen thuộc. Xuống xe, Bác giơ tay vẫy chào mọi người rồi nhanh nhẹn bước lên thềm. Các đồng chí lãnh đạo Nông trường kính cẩn mời Bác vào trong phòng khách. Bác thân mật: "Thôi, ta ngồi ngoài này cho mát". Nói rồi Bác tự tay xách một chiếc ghế tựa từ trong phòng khách đem ra ngoài hành lang. Bác ân cần hỏi han công việc làm ăn của Nông trường. Trồng loại cây gì, nuôi loại con gì. Đã có lãi chưa. Công nhân, cán bộ có bao nhiêu người. Đời sống có được cải thiện không. Các đồng chí lãnh đạo Nông trường lần lượt thưa với Bác từng vấn đề một. Ngày ấy, vào những năm 60 của thế kỷ trước, nông trường vừa mới xây dựng được hơn bốn năm nên còn bị thua lỗ. Bác biết điều đó, nên nhìn mọi ngươi rồi nói: "Nông trường còn bị lỗ như vậy là các chú làm ăn chưa tốt. Chưa làm gương được cho hợp tác xã nông nghiệp. Các chú cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để sản xuất ra nhiều của cải cho Nhà nước, cho nhân dân". Nói xong, Bác đứng dậy đi về phía sau rồi vào thăm anh chị em công nhân đang làm việc trong Xưởng cơ khí Nông trường.
Trên đường đến thăm Đội sản xuất Trại Vòng, Bác dừng lại thăm anh chị em công nhân đội Gềnh đang chăm sóc cà phê mít trồng năm 1957. Bác mượn một cái cuốc vét của một công nhân đứng gần đó rồi tiến đến một cây cà phê mít cao bằng đầu người, cành lá xum xuê xanh tốt. Vừa dẫy cỏ, Bác vừa ôn tồn giải thích: "Các chú làm cỏ chưa được kỹ lắm đâu. Một khi rễ cỏ còn bám được vào đất thế này thì mai kia nó lại tốt lên. Ăn hết thức ăn của cà phê mất thôi. Bác làm như thế này được chưa các chú". Câu hỏi vừa chân tình vừa khiêm tốn đã làm cho anh chị em công nhân và những người có mặt hôm đó mãi mãi ghi nhớ, không bao giờ quên được. Đến trước mặt một công nhân còn rất trẻ, Bác nắm chặt tay rồi ân cần hỏi: "Nông trường Đồng Giao này là của ai?". "Thưa Bác, Nông trường là của Nhà nước ạ". Bác hướng về phía cán bộ Nông trường đi theo rồi nói chung với mọi người: "Các cô, các chú học tập quản lý xí nghiệp rồi mà còn nói nông trường là của Nhà nước là chưa đúng đâu. Nông trường là của các cô, các chú. Chính các cô, các chú mới là người chủ thực sự của Nông trường".
Đến đội Trại Vòng, vừa bước xuống xe là Bác vào ngay nhà ở tập thể của công nhân nữ. Lúc này chị em đang quây quần bóc lạc giống, chuyện trò vui vẻ râm ran. Thấy Bác vào, tất cả chị em đều đứng dậy chào Bác. Nhìn căn nhà gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp, Bác tỏ ý hài lòng rồi bước vào nhà ăn tập thể. Quan sát khắp lượt, không thấy một rổ rau xanh nào, Bác hỏi: "ở đây không trồng được rau xanh à"? Đồng chí Thư ký Công đoàn Đội Trại Vòng thưa với Bác: "Chúng cháu ở trên cao quá nên không có nước để tưới rau ạ". "Phải tìm cách giữ được nước để trồng rau. Nông trường mà phải đi xa hàng chục cây số để mua rau thì người ta cười cho đấy".
Trên con đường dài hơn bốn cây số về Đội Chăn nuôi, hai bên đường là những cánh rừng cà phê mượt mà, xanh thẳm, những nương lúa đồi mênh mông ngút ngàn, những đai rừng bạch đàn phi lao xanh tốt cứ vun vút chạy qua, Bác rất hài lòng. Khi xe dừng lại trước sân Đội Chăn nuôi, Bác đi thẳng vào nhà trẻ. Các cháu mẫu giáo tíu tít chạy ùa ra đón Bác "Chúng cháu chào Bác ạ. Chúng cháu chào Bác ạ". Bác âu yếm bế một cháu gái tròn ba tuổi lên vai, rồi vừa đẩy nôi vừa chuyện trò thân mật với các cô nuôi dạy trẻ "Các cô cho các cháu ăn mấy bữa một ngày". "Thưa Bác ba bữa một ngày ạ". Bác nhắc nhở các cô phải thật sự thương yêu các cháu như con đẻ của mình. Nhớ cho các cháu ăn no, giữ gìn vệ sinh tốt, đừng để các cháu khóc nhiều. Có như thế thì cha mẹ các cháu mới yên tâm sản xuất và công tác được.
Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Nông trường đi một vòng quanh khu chuồng trại nuôi bò, nuôi lợn rồi dừng lại bên cạnh một chiếc xe con đang đậu ở trước cửa văn phòng Đội. Mọi người đều tiến đến và quây quần chung quanh Bác. Bác thân mật "Bây giờ Bác về Hà Nội. Các chú ở lại cùng công nhân Nông trường cố gắng làm việc thật tốt để xây dựng Đồng Giao trở thành một nông trường giàu có, làm ra thật nhiều sản phẩm xuất khẩu cho Nhà nước, đời sống công nhân, cán bộ được cải thiện là Bác mừng". Thay mặt những người Nông trường được vinh dự đón Bác hôm ấy, một đồng chí lãnh đạo Nông trường hứa với Bác "Thưa Bác, công nhân cán bộ Nông trường Đồng Giao chúng cháu quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác". Bác vẫy tay chào mọi người rồi bước lên xe. Những người ở lại nhìn theo Bác cho đến khi những chiếc xe khuất hẳn mà vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
Từ đó đến nay 55 năm đã trôi qua. Lời hứa với Bác của hơn 2.000 công nhân, cán bộ nông trường Đồng Giao ngày ấy đã trở thành sự thật. Kể từ năm 1975, khi cây dứa được thay thế cho cây cà phê, bắt đầu trở thành cây trồng chính thì Đồng Giao đã chấm dứt những năm dài thua lỗ, bước sang thời kỳ phát triển. Đặc biệt là từ năm 2002, khi dây chuyền chế biến rau quả đồng bộ và hiện đại đi vào hoạt động thì những sản phẩm đông lạnh, đồ hộp, nước quả… mang nhãn hiệu DOVECO đã trở thành một thương hiệu có uy tín xuất khẩu ngày càng nhiều đến các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nga, Nhật bản, Hàn Quốc… Sản phẩm xuất khẩu mỗi năm một tăng. Nộp ngân sách mỗi năm một nhiều. Đời sống công nhân được ổn định. Nông trường Đồng Giao ngày ấy, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao bây giờ luôn trở thành một đơn vị tiên tiến xuất sắc của Tổng công ty rau quả của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Nguyễn Đăng Trình