Về thôn Phong An, xã Khánh Thiện (Yên Khánh) hỏi nhà ông Nguyễn Văn Goòng làm bánh đa không ai là không biết, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông đã gắn bó với nghề làm bánh đa vừng truyền thống hơn 40 năm.
40 năm gìn giữ nghề làm bánh đa vừng truyền thống
Từ hơn 3h sáng, tại ngôi nhà nhỏ ở thôn Phong An đã thấp thoáng ánh đèn sáng. Hàng xóm xung quanh ai cũng quen với việc hai vợ chồng ông Goòng dậy từ sáng sớm để chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh đa. Nguyên liệu làm bánh đa vừng là các thực phẩm sạch: Gạo, vừng, gấc.
Gạo được ngâm từ 6-7 tiếng từ đêm hôm trước, sáng sớm vo lại rồi đem xay. Trước kia, người ta thường ngâm gạo trong những chiếc chum to, giờ đây có thể ngâm bằng chậu, xô. Khi gạo ngậm đủ nước, đạt đến độ căng mọng thì cho vào xay, nếu ngâm quá giờ, gạo sẽ bị chua.
Vì nhu cầu của thị trường, nhiều người thích ăn bánh đa gấc nên mùa gấc, gia đình ông Goòng dự trữ cả tấn gấc trong các chum, dùng muối bảo quản nên dùng được quanh năm. Gấc muối bỏ hạt chắt lấy nước để cho vào xay lẫn với gạo, làm nguyên liệu tráng bánh đa gấc.
Chiếc đài là "người bạn" gắn bó gần 40 năm trong mỗi buổi sáng làm bánh đa của ông Goòng.
Ngày trước việc xay gạo chủ yếu làm bằng tay nên vất vả, nay nhờ áp dụng máy móc, dùng mô tơ kéo cối nên giảm được sức lao động và thời gian làm bánh đa.
Để có một chiếc bánh đa ngon, theo ông Goòng phải sử dụng gạo có độ dẻo ít (thường là gạo Q5).
"Từ thời ông, bà ngoại làm rồi truyền cho đời mẹ, giờ đến đời tôi lưu giữ và tiếp tục nghề truyền thống, giữ gìn nét văn hóa quê hương". Ông Goòng bắt đầu làm bánh đa từ năm 1980. Nhớ lại thuở nhỏ, ông Goòng cho biết: "Thương mẹ sớm hôm tảo tần làm bánh đa, ngay từ nhỏ tôi đã phụ gia đình, từ xay bột, canh bếp lửa, phơi bánh, đóng gói…"
Hiện nay, trong thôn chỉ còn 3 gia đình làm bánh đa. "Mình còn sức khỏe, còn làm được thì cứ làm thôi, vừa có thêm thu nhập đều, vừa gìn giữ nghề truyền thống của địa phương", ông Goòng chia sẻ.
Mỗi buổi làm bánh đa gia đình ông Goòng làm 20 kg gạo, được 160 - 170 chiếc bánh đa. Một tháng trung bình gia đình làm được 4.500 - 5.000 chiếc. Bánh đa sau khi tráng được đem đi phơi dưới nắng. Tùy theo thời tiết, nắng to hay nhỏ, sau hơn 2 tiếng sau khi phơi phải lật bánh để bánh khô đều. Khi bánh đa đến độ khô vừa phải, phải thu lại vào chỗ dâm để bánh không bị cong. Hiện nay, nhiều gia đình đã đầu tư máy sấy bánh đa, nhưng theo đánh giá của nhiều khách hàng, bánh đa sấy bằng máy kém độ thơm, ngon so với bánh phơi nắng truyền thống.
Cách làm bánh đa thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực tế đòi hỏi nhiều công sức và sự khéo léo, từ khâu xay bột đến khi tráng bánh. Trước đây, gia đình ông dùng than đun nồi nước tráng bánh vừa mất nhiều thời gian, lại bụi, giờ đun bằng điện công việc cũng nhàn hơn, còn việc tráng bánh ông vẫn làm thủ công nên luôn phải làm việc trong không khí nóng nực của bếp.
Khi tráng phải đều tay, lấy bánh ra cũng phải khéo léo để bánh không bị rách hoặc méo mó.
Đường kính mỗi chiếc bánh đa khoảng 40 cm (khi vừa tráng ra) phơi dưới ánh nắng còn khoảng 27 -30 cm.
Khoảng sân rộng, được đặt các phên tre phơi bánh đa. Sau khi phơi khô, bánh đa sẽ được nướng lại bằng than củi.
Bánh đa nhà ông chủ yếu đem ra chợ bán lẻ, hay người quen đến tận nhà lấy. Với giá 12.000 đồng/chiếc, trung bình cho gia đình ông doanh thu 45 - 50 triệu đồng/ tháng.