Vì an sinh xã hội
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Tuyết, xóm Vân Mộng, xã Yên Phong, huyện Yên Mô. Ngôi nhà mái bằng đơn sơ nhưng trên các bức tường kín mít giấy khen, bằng khen khiến ai cũng phải ấn tượng. Không giấu nổi niềm tự hào, chị Tuyết khoe: Đây là thành tích của các con tôi, chúng đều ham học và học giỏi. Con trai cả của chị từng đạt học sinh giỏi Quốc gia và hiện giờ đang là giáo viên một trường Quốc tế ở Hà Nội; cháu thứ hai đang học Công nghệ thông tin; hai cháu sau đang học phổ thông cũng đều là học sinh tiên tiến.
"Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH mà cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, gia đình khó khăn lắm, 2 vợ chồng tôi không có việc làm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, bản thân lại bị bệnh tim, trong khi đó còn phải nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học… Mọi việc tưởng như bế tắc cho đến khi có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để gia đình đầu tư mua 4 lò ấp trứng.
Giờ đây mỗi ngày gia đình xuất ra thị trường từ 2.500-3.000 quả trứng, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Không chỉ được vay vốn phát triển kinh tế, vợ chồng tôi còn được ngân hàng hỗ trợ vay vốn để cho các con theo học đại học. Nhờ vậy, các con có một tương lai tươi sáng hơn" - chị Tuyết nói.
Cũng giống như gia đình chị Tuyết, chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Tân Trung, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp cũng thuộc diện khó khăn. Năm 2017, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Với số tiền được vay chị đầu tư mua giống, phân bón thâm canh 3 ha dứa kết hợp với trồng chè. Nhờ chăm chỉ làm ăn để sinh lời đồng vốn, chỉ 2 năm sau gia đình chị đã thoát khỏi cảnh nghèo, cuộc sống trở nên khá giả.
Chị Tuyết, chị Thảo là hai trong hàng nghìn hộ dân, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH vươn lên trong cuộc sống.
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, được thành lập năm 2003, trải qua gần 17 năm hoạt động, Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đã thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tích cực trong mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đã có trên 476 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, với doanh số cho vay đạt 6.987.296 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, trên 70 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo, trên 122 nghìn lao động có được việc làm, trên 110 nghìn học sinh sinh viên được theo đuổi ước mơ học tập, 1.620 hộ nghèo có điều kiện sửa sang, xây mới nhà ở, gần 200 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, trên 100 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của Ninh Bình, giai đoạn 2001-2005 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,38% xuống còn 5,8%; giai đoạn 2006-2010 giảm từ 18,02% xuống còn 6,87%; giai đoạn 2011- 2015 giảm từ 12,4% xuống còn 3,92% và giai đoạn 2016 -2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,46% xuống còn 3,63% đến cuối năm 2018.
Không ngừng đổi mới
17 năm qua, với những nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện hiệu quả sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng CSXH tỉnh đã nhận được sự tin yêu, đồng tình và giúp đỡ của nhân dân. Kế thừa, xây dựng và phát triển trên nền tảng của mô hình tổ chức Ngân hàng phục vụ người nghèo nên tổ chức bộ máy quản lý, điều hành của Ngân hàng khá gọn nhẹ và tiết kiệm chi phí. Bằng việc xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đã đảm bảo cho vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng.
Các hoạt động nghiệp vụ tại Chi nhánh tỉnh Ninh Bình luôn được đổi mới. Với phương thức ủy thác từng phần, sự phối hợp giữa các tổ chức hội, đoàn thể và ngân hàng vốn đã có từ những năm 1990 nay đã được nâng lên cả về diện và chất, với hình thức, cơ chế mới mang tính pháp lý cao và chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tỉnh còn triển khai mô hình hoạt động của Điểm giao dịch xã tại trụ sở UBND cấp xã với 145 điểm giao dịch /145 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Thông qua đó, đã giúp nhân dân trên địa bàn tiếp cận dễ dàng với các chương trình tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, đảm bảo công khai, dân chủ và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể trong việc thực thi chính sách tín dụng.
Hiện tại, việc giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch xã đều đạt trên 93% tổng số giao dịch phát sinh hàng năm của Ngân hàng CSXH tỉnh.
Với mạng lưới 2.500 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, bản, tổ dân phố, hiện nay Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình đang thực hiện 11 chương trình tín dụng ưu đãi (tăng 8 chương trình so với năm 2003). Là một kênh vốn rất quan trọng và mang tính chính trị-xã hội cao, hầu hết các hộ nghèo và hộ gia đình chính sách nếu có nhu cầu vay vốn đều được Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi, xem xét cho vay.
Từ ngày thành lập đến nay, tổng doanh số cho vay của đơn vị là 6.698 tỷ đồng với 468.170 hộ được vay vốn. Dư nợ hiện nay của Ngân hàng là trên 2.316 tỷ đồng, tăng hơn 2.189 tỷ đồng và gấp 18,2 lần so với khi mới thành lập (tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm).
Những kết quả trên cho thấy sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng và sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Qua đó cũng khẳng định, Ngân hàng đã trở thành địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cũng còn một số tồn tại, khó khăn. Nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng lớn, nhưng nguồn vốn còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn Trung ương chuyển về. Nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương còn hạn chế. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực sự vào cuộc quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách.
Công tác tuyên truyền của một số tổ chức hội, đoàn thể cấp xã chưa thực sự hiệu quả, còn một số hội viên chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và trả nợ vốn vay, dẫn đến nợ quá hạn phát sinh ở một số địa bàn. Vai trò định hướng mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các địa phương, tổ chức đoàn thể còn hạn chế dẫn đến các đối tượng chính sách đầu tư vốn nhỏ lẻ, hiệu quả không cao…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả và ý nghĩa của nguồn vốn chính sách, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tham mưu cho UBND các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tham mưu Ngân hàng CSXH Việt Nam chuyển nguồn vốn ngân sách Trung ương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã.
Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, trong đó quan tâm thu hút các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH. Làm tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt là những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn.
Nguyễn Lựu