Trong 10 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức (diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, và đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19,…) đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cả 2 vụ lúa đều được mùa: lúa đông xuân diện tích đạt gần 40 nghìn ha, năng suất ước đạt 66,81 tạ/ha (cao hơn 0,31 tạ/ha so với vụ đông xuân 2019-2020), lúa mùa diện tích trên 31.800 ha, năng suất bình quân 54,2 tạ/ha (cao hơn 0,05 tạ/ha so với vụ mùa 2020).
Các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị được các địa phương triển khai, nhân rộng. Việc chuyển đổi cây trồng, giống vật nuôi, sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Thời gian qua, công tác phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh (bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu xuất hiện, bệnh dịch dả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trở lại) và biến động thị trường (giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn giảm).
Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi đang dần được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ nhưng áp dụng khoa học công nghệ.
Hiện, đàn trâu bò cơ bản vẫn giữ ổn định, đàn gia cầm 6,285 triệu con, tăng 4,6%; đàn dê khoảng 23,1 nghìn con; đàn lợn khoảng trên 274,5 nghìn con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Về thủy sản, sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt trên 4 nghìn tấn. Lũy kế 10 tháng đầu năm sản lượng thủy sản đạt 53,8 nghìn tấn. Trong đó: Nuôi trồng trên 47,8 nghìn tấn (nước ngọt 22,8 nghìn tấn; nước lợ 25,0 nghìn tấn); khai thác 5,9 nghìn tấn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 109/119 xã (chiếm 91,6%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Tính từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh cũng đã tiếp nhận được 14.862 tấn xi măng làm được 582 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 100 km.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp còn gặp một số khó khăn do dịch bệnh trên đàn vật nuôi tái phát, nhiều diện tích cây vụ đông bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài; việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đặc biệt là cá nước ngọt, lợ gặp khó khăn, giá giảm mạnh….
Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo hướng dẫn nông dân tăng cường trồng bù các diện tích cây vụ đông đã bị thiệt hại (chú trọng vào cây khoai tây và rau ăn lá các loại).
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện chương trình NTM đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn