Đặc biệt, Hội Khuyến học còn là "cầu nối" giữa những tấm lòng hảo tâm đến với những hoàn cảnh học sinh nghèo vượt khó. Hàng ngàn suất học bổng từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đã được trao đến các em. Đó là sự động viên kịp thời, thiết thực giúp các thế hệ học sinh- sinh viên nghèo hiếu học được tiếp tục đến trường, vươn xa chinh phục những ước mơ.
Có mặt tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, 17 năm Hội Khuyến học Ninh Bình, nhiều người có mặt trong lễ kỷ niệm đã không giấu nổi niềm xúc động khi được lắng nghe những câu chuyện về hoàn cảnh đặc biệt, về nghị lực đến trường của những cô, cậu học trò nghèo, vượt khó.
Dẫn cháu nội Vũ Đức Hiệp đến nhận học bổng do Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng trao tặng, bà Vũ Thị Nga ở phường Nam Bình, Thành phố Ninh Bình ngậm ngùi cho biết, cháu Hiệp khổ từ bé. Bố cháu nghiện ngập rồi đi trại cai nghiện. Nuôi đứa con trai thứ hai chưa hết hơi sữa, mẹ cháu bỏ lại hai đứa cháu cho ông bà nuôi nấng rồi bỏ đi biệt tích đến nay. Nhìn hai đứa cháu tội nghiệp mà ông bà chỉ biết khóc thầm. Vài triệu đồng lương hưu của ông trở nên quá eo hẹp khi phải chi tiêu mọi khoản.
Để có thêm tiền cho hai cháu đến trường, ở cái tuổi ngoài 70, ông nội Hiệp vẫn cần mẫn làm thêm nghề sửa xe đạp. Còn bà Nga, ngoài chăm lo chu toàn việc gia đình, bà còn nhận thêm việc chăm trẻ tại nhà. Tần tảo, vất vả là vậy, song nhìn đứa cháu nội chăm ngoan, hiếu học thì mọi vất vả đều tan biến. Ông bà lại động viên nhau cùng cố gắng. "Trong chặng đường gian nan ấy, chúng tôi không lẻ loi mà luôn nhận được sự động viên, khích lệ và những sự hỗ trợ thiết thực của thầy cô, chính quyền địa phương và của các nhà hảo tâm. Những dịp đầu năm học mới hay vào tháng khuyến học, cháu đều nhận được quà, khi là tập vở, cái bút, là sách, tiền. Sự hỗ trợ ấy có ý nghĩa rất lớn, giúp cháu có thêm điều kiện đến trường và đặc biệt, sự sát cánh ấy đã là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi và cháu vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục theo đuổi ước mơ trong học tập"- bà Vũ Thị Nga xúc động.
Còn cô bé Đinh Huyền Trang xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư thì mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi bước nữa, em ở với ông bà nội và chú ruột. Những năm gần đây, ông bà nội già yếu nên việc ăn học của em phải nhờ cả vào gia đình chú. Chú của Huyền Trang làm công nhân, thím làm ruộng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vậy nên cuộc sống rất khó khăn, có lúc tưởng chừng việc học của Huyền Trang phải bỏ dở giữa chừng. "Em thương chú thím lắm. Phải vất vả nuôi 2 em rồi lại thêm cả em nữa. Nhiều lúc em muốn nghỉ học rồi đi học nghề, đi làm để phụ giúp chú thím, song chú thím lúc nào cũng động viên em cố gắng học tập. Năm nay em đã học lớp 7 rồi. Đặc biệt, em luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhà trường và các nhà hảo tâm. Cứ vào đầu năm học, em lại được nhận những món quà ý nghĩa như sách vở, học bổng… Sự sát cánh của gia đình và cộng đồng càng tiếp thêm cho em nghị lực, để vượt khó thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo"- Đinh Huyền Trang cho biết.
Hoàn cảnh của các em Hiệp, Trang chỉ là 2 trong số rất nhiều các em có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự trợ giúp của xã hội. Mỗi một hoàn cảnh, mỗi số phận đều chất chứa nỗi niềm riêng, nhưng điểm chung đáng khâm phục là các em luôn đề cao tinh thần hiếu học, biết vượt qua khó khăn để vươn lên học tập tốt. Nhằm tiếp thêm nghị lực, nâng bước cho các em tới trường, những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Đến nay, 100% các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, khu dân cư có tổ chức hội khuyến học; 100% cơ quan, trường học, 70% dòng họ có ban khuyến học hoặc hoạt động khuyến học với số hội viên là 280 nghìn người, chiếm hơn 30% dân số. Hoạt động gây dựng quỹ được các cấp hội chú trọng và thực hiện có hiệu quả dưới nhiều hình thức. Ngoài quỹ KHKT Đinh Bộ Lĩnh của tỉnh với số dư trên 30 tỷ đồng các huyện, thành phố cũng đã thành lập các Quỹ Khuyến học, khuyến tài do cấp huyện quản lý số dư từ 700 triệu đồng đến 1,7 tỷ đồng. Sự phát triển của quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp đã tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được đến trường và chia sẻ những khó khăn, động viên kịp thời các em vượt khó vươn lên trong học tập, góp phần thúc đẩy, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương Ninh Bình.
Ông Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội Khuyến học Ninh Bình cho biết: Những ước mơ của các em học sinh nghèo hiếu học ấy đã và đang được chắp thêm đôi cánh, thêm sức mạnh, bởi đã có rất nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tổ chức xã hội sát cánh, động viên và giúp đỡ cho sự học của các em bằng những việc làm thiết thực như: tặng học bổng, tặng sách vở, xe đạp....
Điển hình trong các hoạt động ấy là các đơn vị: Doanh nghiệp Xuân Trường, Doanh nghiệp Xuân Thành, Công ty Bảo Việt nhân thọ tỉnh Ninh Bình, Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel… Hội Khuyến học tỉnh đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương để vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức quyên góp, ủng hộ và giúp đỡ các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn. Mỗi dịp đầu năm học, hàng trăm triệu đồng đã kịp thời giúp các bạn học sinh, sinh viên khó khăn có thêm điều kiện để học tập. Ngoài ra, những hoàn cảnh học sinh đặc biệt khó khăn, có kết quả học tập tốt cũng được các tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu dài hạn, được khen thưởng kịp thời. Những kết quả mà các cấp hội khuyến học của tỉnh đạt được đã có tác động to lớn tới sự nghiệp giáo dục của tỉnh góp phần đưa tỉnh Ninh Bình nằm trong top dẫn đầu cả nước về thành tích đạt được trong Giáo dục và Đào tạo.
Nguyễn Hùng