Với thế mạnh của tỉnh là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, do vậy các đề án khuyến công và xúc tiến thương mại tập trung vào các nội dung về nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn... hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức hội chợ thương mại trong và ngoài nước; tuyên truyền, quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; hỗ trợ công tác phát triển hạ tầng thương mại; bình ổn giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để phát huy vai trò của công tác khuyến công trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, các cơ chế, chính sách khuyến công từng bước được hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Năm 2018, kế hoạch kinh phí khuyến công được Bộ Công thương và HĐND tỉnh phê duyệt là 4.045 triệu đồng, hỗ trợ cho 38 đề án, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công Quốc gia 200 triệu đồng hỗ trợ thực hiện 1 đề án; kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương giao thực hiện 3.845 triệu đồng, hỗ trợ cho 37 đề án.
Theo thống kê, 9 tháng năm 2018, Sở Công thương đã đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn các đơn vị hưởng thụ triển khai thực hiện 38 đề án khuyến công năm 2018 với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Công tác xúc tiến thương mại được thực hiện thường xuyên với 16 đề án, tổng kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng. Tính đến nay đã hoàn thành thực hiện 6 đề án.
Để khuyến khích các ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển trên diện rộng ở các địa phương trong tỉnh, hàng năm, Sở Công thương đã tổ chức trao bằng khen cho nghệ nhân, trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình.
Đặc biệt, tại Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2018, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức khu trưng bày thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình và cuộc thi "Bàn tay vàng thêu ren", qua đó góp phần gìn giữ và phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương.
Sở Công thương cũng đã triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp trên địa bàn với các cơ chế, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn, khu đô thị, khu công nghiệp; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm sản xuất tại địa phương giúp doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển.
Bảo Yến