Đã hơn 60 năm trôi qua nhưng những chỉ dẫn đó của Người vẫn là những vấn đề nóng hổi tính thời sự đối với công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên tham gia học tập chuyên đề "Sửa đổi lối làm việc" và thêm một lần nữa những lời chỉ dẫn đó trở thành bảo bối, trở thành hành trang quý giá cho từng Đảng bộ, cơ quan và cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình phấn đấu, rèn luyện trên nhiều mặt công tác.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc
Một trong những vấn đề sống còn được đề cập trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" là vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Bác khẳng định: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, thời gian qua, bên cạnh việc rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cần - kiệm - liêm - chính, chí công, vô tư, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc thu hút nhân tài về góp sức xây dựng quê hương. Chính sách thu hút công chức xã, phường, thị trấn được triển khai đã tạo nên những chuyển biến tích cực về lượng và chất. Nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với năng lực chuyên môn đã qua đào tạo cơ bản của hàng trăm cán bộ công chức vừa tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã thổi một luồng sinh khí mới cho hoạt động của chính quyền cơ sở. Những bất cập, trì trệ dần được thay thế bởi lối làm việc cởi mở, nhạy bén và sáng tạo.
Chị Đỗ Thị Cúc, là một người con của thành phố Ninh Bình nhưng đã tình nguyện về công tác tại UBND xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn từ tháng 3-2007 theo chính sách thu hút của tỉnh. Hàng ngày phải đi quãng đường dài hàng chục km từ nhà đến nơi làm việc và ngay cả khi đã lập gia đình riêng thì những khó khăn đó vẫn luôn được chị khắc phục để có thể hoàn thành tốt mọi công việc.
Chị Cúc tâm sự: Về công tác tại địa phương tôi được tỉnh hỗ trợ 9 triệu đồng, đó là số tiền không nhỏ đối với một sinh viên mới ra trường, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là mình được tạo điều kiện làm việc đúng chuyên môn và phát huy những kiến thức đã học. Nhiều người bạn của tôi còn tình nguyện về những mảnh đất xa xôi và khó khăn hơn thế này. Từ những suy nghĩ giản đơn nhưng đầy nhiệt huyết đó chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng vào lớp cán bộ trẻ có đủ tài, đủ tâm phục vụ quê hương, đất nước.
Nhằm góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ngày 4-8-2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 09-TT/TU về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Đến ngày 10-12, toàn tỉnh đã hoàn thành việc lấy ý kiến và phiếu tham khảo của cử tri đại diện hộ gia đình ở khu dân cư, phiếu tín nhiệm của các đại biểu tại hội nghị cấp xã đối với 1.158 cán bộ, công chức cấp xã thuộc 147/147 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Cán bộ, công chức thuộc đối tượng lấy phiếu tín nhiệm hầu hết có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao, đa số đạt từ 87-95%; 15 cán bộ, công chức có số phiếu tín nhiệm đạt thấp (dưới 50%) ở cả hội nghị cấp xã và lấy phiếu tham khảo tại khu dân cư… Kết quả đó phản ánh tương đối sát tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của tỉnh hiện nay. Đồng chí Phạm Tiến Mạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thượng Kiệm (Kim Sơn) cho biết: Được nhân dân tín nhiệm là một điều đáng mừng, song bên cạnh đó còn nhiều ý kiến phê bình thẳng thắn, khách quan mà mỗi cán bộ cần nghiêm túc suy ngẫm và sửa đổi. Thời gian tới hoạt động này sẽ được nhân ra diện rộng và thực sự trở thành một phương pháp hiệu quả để cán bộ, đảng viên "sửa đổi lối làm việc".
Gắn bó mật thiết với nhân dân
"Sợi chỉ đỏ" xuyên suốt đạo đức cách mạng của người cán bộ cách mạng tốt được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất là mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Ngoài việc đi sâu, đi sát tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhiều cán bộ, đảng viên đã cụ thể hóa mối liên hệ đó dựa trên tiêu chí về thái độ ứng xử trong giải quyết công việc với dân.
Công an huyện Yên Mô được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc làm theo lời Bác với tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Luôn tâm niệm lời dạy của Người "Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép", đơn vị đã gắn thực hiện cuộc vận động với việc đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực công tác có liên quan đến tổ chức và cá nhân. Từ đó đã tạo bước chuyển biến rõ nét về thái độ, tư thế, tác phong và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sỹ. Bộ phận quản lý hành chính mỗi ngày tiếp hàng trăm lượt công dân... nhưng luôn cố gắng giải thích cặn kẽ các vấn đề cho dân hiểu, dân tin.
Theo chân các cán bộ, chiến sỹ về tận trường học và các xã nghèo để làm chứng minh thư cho học sinh và những người già cả chưa từng một lần biết đến loại giấy tờ tùy thân này mới thấy hết tình quân - dân thắm thiết. Công việc này được thực hiện hàng tuần ở những xã khác nhau (ngoài thời gian quy định tại trụ sở Công an huyện). Không chỉ mang lại thuận lợi cho nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân cũng là một việc làm thường xuyên của các cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Sau mỗi diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân", nhiều cách làm đã được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Thậm chí có nhiều cán bộ trẻ đã tự tìm đọc thêm tài liệu, hồ sơ sau những giờ làm việc để trau dồi thêm kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc.
Không riêng các cán bộ, chiến sỹ công an, thời gian qua cùng với việc thực hiện cải cách hành chính tại nhiều địa phương, đơn vị đã góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ gần dân, sát dân và vì dân.
"Sửa đổi lối làm việc" là một cách học và làm theo lời Bác rất thiết thực, hiệu quả vừa giúp hoàn thiện bản thân, vừa mang lại lợi ích cho nhân dân đang được các cán bộ, đảng viên trong tỉnh tích cực thực hiện.
Duy Hiền