Năm nay là năm thứ 17 gắn bó với nghiệp bảng đen, phấn trắng, nhưng với cô giáo Đinh Minh Hằng (giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Ninh Bình), trong mỗi bài giảng vẫn tràn đầy nhiệt huyết, mỗi lứa học sinh vẫn hết sức thân thuộc và gần gũi. Cô Hằng tâm sự: Hiện nay, trước yêu cầu phải dạy cho học sinh nắm vững cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, trước giờ lên lớp giáo viên dạy ngoại ngữ phải chuẩn bị khá chu đáo mọi điều kiện cho việc dạy học. Không chỉ là các trang giáo án soạn sẵn, nhiều tài liệu, tranh, ảnh minh họa cũng được huy động để mỗi bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư nên việc học ngoại ngữ đã được hỗ trợ rất nhiều: có phòng học tiếng riêng, máy tính nối mạng, bộ âm ly, loa đài…
Trước yêu cầu của việc đổi mới phương pháp giáo dục, cô Hằng luôn trăn trở tìm phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh sao cho hiệu quả nhất. Mặc dù trong bộn bề công việc giảng dạy và chăm lo gia đình, nhưng năm học nào cô giáo Hằng cũng chú trọng nghiên cứu, đưa vào thực tế các sáng kiến kinh nghiệm với mục đích góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp trong học tiếng Anh cho học sinh. Nhiều sáng kiến của cô được phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận và phát huy tác dụng ngay trong việc giảng dạy hàng ngày.
Từ nhiều năm nay, cô giáo Hằng được Ban giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng tín nhiệm giao nhiệm vụ phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Anh. Với năng lực, cộng với sự nhiệt tình, tâm huyết, phương pháp sư phạm hiệu quả, nhiều kiến thức được cô truyền đạt cho học sinh được đồng nghiệp đánh giá cao và được ghi nhận qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Nhiều năm liền đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh của nhà trường do cô Hằng phụ trách đều xếp thứ nhất toàn đoàn tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố với 100% học sinh đạt giải. Cô Hằng còn được phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố giao phụ trách đội tuyển thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh. Năm 2013 đội tuyển thành phố đã có 2 giải nhất, 7 giải nhì, 2 giải ba môn tiếng Anh, 1 học sinh đạt giải nhất thi Olimpic tiếng Anh toàn quốc.
Nhiều năm liền cô Hằng có học sinh đỗ thủ khoa đầu vào lớp 10 trường THPT chuyên Lương Văn Tụy… Với cô giáo Minh Hằng, kỷ niệm về một lần bị ngã xe phải vào viện điều trị nhưng học sinh đội tuyển học sinh giỏi hàng ngày vào tận giường bệnh, ngồi xung quanh để yêu cầu cô tiếp tục giảng bài luôn là kỷ niệm đẹp nhất về nghề giáo. Đó cũng là động lực để cô luôn gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục.
Với cô giáo Vũ Thị Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Định Hóa (Kim Sơn), bề dày thành tích trong giảng dạy của cô đã chứng minh cho quá trình tự nghiên cứu, tự học và sáng tạo để đem lại những giờ giảng hấp dẫn, thu hút học sinh. Đặc thù dạy học sinh bậc tiểu học, khi dạy, người giáo viên không chỉ là người thầy mà còn phải như người mẹ, để nắm bắt tâm tư, tính cách từng học sinh, từ đó có phương pháp sư phạm, cách truyền đạt kiến thức cho phù hợp.
Mặc dù công tác tại một trường ở xa trung tâm huyện, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng cô Oanh luôn dành nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc chuyên môn. Trong mỗi giờ giảng của mình, ngoài thời gian truyền đạt kiến thức, cô còn dành sự quan tâm cho từng đối tượng học sinh, nắm bắt hoàn cảnh gia đình… để có sự giúp đỡ, hỗ trợ, động viên kịp thời.
Cô giáo Oanh cũng luôn tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Cô học hỏi từ đồng nghiệp đi trước về kinh nghiệm, phương pháp sư phạm; học từ việc nghiên cứu tài liệu, khai thác tư liệu qua các kênh khác nhau như ti vi, sách báo, mạng Internet; học từ các đợt tham gia tập huấn của ngành Giáo dục… với mong muốn tìm ra những phương pháp mới trong giảng dạy để phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh.
Qua các bài giảng, qua các bài kiểm tra, sự nhiệt tình tham gia phát biểu, xung phong lên bảng của học sinh… là các "kênh" để cô Oanh phát hiện được các nhân tố tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Với đặc thù môn Toán, các bài tập do cô ra đề đòi hỏi học sinh có tính phát hiện nhanh là một cách để lựa chọn ra những học sinh có tố chất, có năng khiếu.
Từ năm 2008 đến 2013, với sự hướng dẫn và giảng dạy của cô Oanh, đã có 93 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện, cấp tỉnh, có 1 học sinh đạt huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng thi Olympic Toán cấp quốc gia, 1 học sinh đạt giải nhì kỳ thi "Trạng nguyên nhỏ tuổi cấp quốc gia". Cùng với những thành tích của học sinh, cô Oanh cũng tích cực tham gia các hội giảng, hội thi do ngành Giáo dục tổ chức. Cô đạt giải khuyến khích hội thi giáo viên giỏi bậc tiểu học cấp tỉnh từ năm học 2001 - 2002, nhiều năm liền được tặng bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh, huyện Kim Sơn…
Cô giáo Đinh Minh Hằng, Vũ Thị Oanh chỉ là 2 trong số hàng nghìn cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Dựa trên đặc thù bậc học, môn học, lĩnh vực công tác được giao, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản của cuộc vận động, đẩy mạnh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong hoạt động giáo dục - đào tạo và quản lý giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Những tấm gương tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động luôn được đồng nghiệp, các bậc phụ huynh, các em học sinh ghi nhận bởi sự nhiệt huyết, trách nhiệm cũng như những thành tích mà họ đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Phan Hiếu