PV: Thưa ông, năm nay là năm thứ 35 kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, ông có thể nêu khái quát ý nghĩa của ngày này và đối với riêng tỉnh Ninh Bình như thế nào?
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn: Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam gắn liền với sự ra đời và phát triển của tổ chức giáo giới tiến bộ trên toàn thế giới. Cách đây hơn nửa thế kỷ, tháng 8 năm 1957, Hội nghị Quốc tế các Nhà giáo họp tại Vacsava (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến Chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Ngày 20/11/1958, ngày Quốc tế hiến chương các Nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên trên miền Bắc nước ta. Ngày 28 /9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 167/HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam - để cả nước tri ân các Nhà giáo.
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm là dịp tôn vinh nghề "trồng người", tôn vinh những người thầy đã và đang ngày đêm miệt mài đào luyện thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước; vinh danh các gương điển hình tiên tiến trong sự nghiệp giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", khơi dậy tình cảm, đạo đức và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"; đề cao trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của đất nước; nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ công ơn của người thầy và là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp trồng người.
Đối với tỉnh ta, Lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay càng thêm phấn khởi, tự hào khi Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình lập thêm thành tích xuất sắc, đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và nhiều đơn vị tập thể, cá nhân vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Có được những thành quả và niềm vinh dự đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của lớp lớp các thế hệ cán bộ quản lý, các thầy, cô giáo và các em học sinh; là sự tiếp nối thành quả giáo dục Ninh Bình sau 25 năm tái lập tỉnh.
PV: Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã và đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29. Theo ông, người giáo viên có vai trò quan trọng như thế nào?
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn: Năm học 2017-2018 là năm học thứ 4 ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư ngày 4/11/2013 hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Qua thực tế cho thấy, vai trò của giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định việc đổi mới căn bản giáo dục toàn diện.
Nhận thức rõ điều đó, Ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã tập trung công tác tuyên truyền cho đội ngũ giáo viên, xem việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo là một mệnh lệnh tất yếu của thời đại; giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực của người học, kiến thức gắn liền với thực tiễn cuộc sống, tích hợp kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; giúp học sinh tiếp cận và thay đổi phương pháp học tập, hướng tới mục tiêu của Giáo dục và Đào tạo. Người giáo viên cần học hỏi, cập nhật kiến thức thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức của cá nhân đối với xã hội và thời đại… Từ đó, có định hướng giúp học sinh đến với tư duy và thế giới quan khoa học mới mẻ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Giáo viên không chỉ có kiến thức tổng hợp, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, mà còn phải có đạo đức, nhân cách tốt; vai trò người thầy không chỉ dạy học sinh qua kiến thức những tiết dạy trên lớp mà cần phải giáo dục thông qua hành động của bản thân, là tấm gương cho học sinh noi theo.
PV: Như vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cần phải được coi trọng, Ngành Giáo dục Ninh Bình đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa ông?
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn: Có thể nói, đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà Ngành đã và đang thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Ngành đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo từng giai đoạn, từng năm học cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để từng bước chuẩn hóa đội ngũ theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đảm bảo tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Ngành cũng thực hiện tốt việc bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá kết quả đối với toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên khối trực thuộc Sở. Đồng thời tăng cường chỉ đạo, tổ chức các chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cốt cán của tỉnh và hầu hết cán bộ, giáo viên các cấp học ở các bộ môn.
Riêng năm học 2016-2017 đã chỉ đạo tổ chức 55 chuyên đề các môn học ở các cấp học, trên 40 đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ. Các chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức đảm bảo đúng kế hoạch, hiệu quả, là diễn đàn giao lưu, học tập, củng cố, nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy của cán bộ, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cũng trong năm học, Ngành Giáo dục đã tham mưu tuyển dụng 66 giáo viên, trong đó có 65 giáo viên theo chính sách thu hút của tỉnh. Các phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho UBND cùng cấp từng bước đảm bảo chủng loại giáo viên, tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, chế độ chính sách được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Hàng năm, Ngành thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức đúng quy định. Đến nay, toàn Ngành có 3 Tiến sỹ, trên 400 thạc sỹ; đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục cơ bản có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn từng cấp học đạt cao: Mầm non đạt 93,8%, tiểu học 93,8%, THCS 85,3%, THPT 19,8%.
PV: Thưa ông, cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" đang được Ngành tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, cụ thể những tiêu chí ấy như thế nào?
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn: Tôi cho rằng, để phát triển giáo dục, mấu chốt vấn đề là ở các thầy cô giáo, mà điều căn bản, cốt lõi nhất của thầy, cô giáo phải là tấm gương về đạo đức để dạy học sinh trở thành công dân tốt. Và muốn như vậy, thầy, cô giáo trước hết phải là công dân tốt và trong một xã hội không ngừng phát triển như hiện nay, các thầy, cô giáo cũng phải là một tấm gương tự học, tự sáng tạo.
Để là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, mỗi thầy, cô giáo cần có ý thức tổ chức kỷ luật, không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, ngoại ngữ, tin học, lý luận; yêu ngành, yêu nghề, gần gũi với học sinh, đồng nghiệp, thương yêu học sinh; đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tận tâm giúp đỡ học sinh khi các em gặp khó khăn. Đặc biệt, cần xác định việc tự học của nhà giáo và cán bộ quản lý trong nhà trường vừa là quá trình để tự hoàn thiện mình, vừa là tấm gương cho học sinh noi theo.
Cùng với đó, mỗi giáo viên cần là người tiên phong, đi đầu trong sáng tạo, vận dụng kiến thức đổi mới phương pháp giảng dạy; đưa tri thức và công nghệ mới vào quá trình dạy học, tham gia nghiên cứu khoa học; tận tâm, tận lực với nghề, nắm bắt để phát hiện bồi dưỡng những học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, giúp các em phát triển toàn diện, trở thành người có ích cho xã hội.
PV: Thưa ông, nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành Giáo dục Ninh Bình có những hoạt động chào mừng cụ thể nào?
Nhà giáo Phạm Thanh Toàn: Để chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành Giáo dục Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đi thăm và chúc mừng các cơ sở giáo dục, các nhà giáo tiêu biểu. Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội diễn văn nghệ liên ngành năm 2017 được dư luận đánh giá cao. Tổ chức giải cầu lông ngành Giáo dục và Đào tạo với gần 700 thầy, cô giáo tham gia cấp cụm, có gần 300 thầy, cô giáo về dự chung kết cấp tỉnh. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các môn tự nhiên cấp THPT với 92 giáo viên đạt giải. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức chương trình tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý năm 2017 và kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017), có hàng chục nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên được tuyên dương, khen thưởng. Cũng trong dịp này, nhiều cơ sở giáo dục tổ chức đón nhận các Bằng khen, phần thưởng cấp Nhà nước, Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, kỷ niệm 25, 30 năm thành lập trường… góp phần động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh