Đầu năm 1972, để ngăn chặn đà tiến công của quân và dân ta và giành lợi thế với ta trên bàn Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ-Ngụy đã mở cuộc hành quân Lam Sơn nhằm tái chiếm Thành cổ và vùng giải phóng Quảng Trị. Mỹ- Ngụy đã huy động tối đa lực lượng hải quân, lục quân, không quân với các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Chỉ trong 81 ngày đêm, chúng đã ném bom, bắn phá vào thành cổ Quảng Trị và vùng phụ cận gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Chúng huy động những đơn vị tinh nhuệ nhất gồm 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến, nhiều đơn vị biệt động và địa phương quân.
Với quyết tâm bảo vệ thị xã, Thành cổ và vùng giải phóng Quảng Trị, ta đã huy động 6 sư đoàn chủ lực là các sư đoàn và một số đơn vị binh chủng pháo binh, phòng không, xe tăng- thiết giáp, công binh, thông tin, đặc công, vận tải, TNXP, dân công hỏa tuyến, du kích, bộ đội địa phương tỉnh Quảng trị. Các đơn vị đã chiến đấu vô cùng anh dũng bảo vệ vùng giải phóng và Thành cổ Quảng Trị. Chiến thắng rất vang dội nhưng tổn thất cũng nặng nề. Hàng chục vạn người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, trong đó có rất nhiều con em quê hương Ninh Bình; hiện nay còn nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; 95% những người tham gia chiến đấu ngày ấy còn sống hiện nay đều là thương binh và nạn nhân chất độc da cam/dioxin...
Để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế nâng cao đời sống, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện và công nhận Ban vận động thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng trị năm 1972 tỉnh Ninh Bình để làm nhiệm vụ vận động cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia Hội và hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập Hội theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Hồng Hương, Trưởng Ban vận động thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Ninh Bình cho biết: Sau một thời gian vận động, đến nay đã có gần 1.700 người trước đây tham gia chiến đấu trong đội hình các Sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325 đăng ký vào Hội. Trên cơ sở đó, Ban vận động thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Ninh Bình đã tiến hành công tác chuẩn bị và ấn định ngày tổ chức Đại hội thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Ninh Bình vào ngày 14/12/2018.
Cũng theo ông Phạm Hồng Hương, Hội được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết các hội viên là chiến sĩ thuộc các sư đoàn, đơn vị tham gia chiến dịch Thành cổ Quảng Trị năm 1972, các đơn vị, các hội viên là chiến sĩ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ nhau mọi mặt trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Mỗi hội viên trước đây là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu với quân thù, nay tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, của từng sư đoàn, truyền thống của người chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trên tất cả các hoạt động; sẽ là tuyên truyền viên trong các tầng lớp nhân dân về đường lối đổi mới xây dựng đất nước. Đồng thời sẽ tăng cường quan hệ mật thiết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng tại địa phương; tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ, trực tiếp là con em của mình hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu oai hùng của quân và dân ta tại Thành cổ Quảng Trị, để tiếp bước truyền thống cha anh, tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo an sinh xã hội; tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, sinh hoạt trong tổ chức của người cao tuổi, đoàn kết gắn bó với các tầng lớp nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương; khắc phục những khó khăn về sức khỏe, thương tật, động viên giúp đỡ nhau để thực sự là những tấm gương sáng "trẻ xông pha, già mẫu mực".
Vân Giang