Với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã tạo điều kiện cho hầu hết trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng khó được ra lớp đúng độ tuổi, nhận được sự quan tâm giáo dục và chăm sóc chu đáo của các nhà trường, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở các địa phương giảm đáng kể.
Xã Thạch Bình là 1 trong 5 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi của huyện Nho Quan. Với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, sự học của trẻ em địa phương cũng còn bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là việc huy động trẻ ra lớp ở bậc học mầm non. Nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm trước. "Từ khi được Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ bậc mẫu giáo thì công tác giáo dục và đào tạo của xã đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 97%"- ông Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình chia sẻ.
Đến thăm Trường Mầm non Thạch Bình, cô giáo Đỗ Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ: Hiện nay, trường có trên 600 học sinh học tại 3 điểm trường, trong đó có 2 điểm trường lẻ. Trẻ em đến trường được chăm sóc, học tập trong môi trường ngày càng hiện đại nên đã tạo được niềm tin đối với các bậc phụ huynh. "Nhớ lại, những năm trước đây, việc huy động trẻ ra lớp gặp rất nhiều khó khăn, sĩ số không ổn định. Nguyên nhân là bởi đời sống người dân còn nhiều vất vả, chưa có điều kiện cho trẻ được đến lớp và ăn bán trú. Nhiều hộ gia đình vì khó khăn đành để con ở nhà tự chăm sóc, trông nom. Những thời điểm mùa vụ, bố mẹ bận việc đồi rừng thì đứa trẻ phải tự chơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tai nạn thương tích"- cô hiệu trưởng Đỗ Thị Lan chia sẻ.
Nhưng từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP, ngày 05/01/2018 và đã được bổ sung, thay thế bằng Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020, thì tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở bậc học mẫu giáo của xã Thạch Bình đã tăng lên gần như tuyệt đối. Theo cô giáo Đỗ Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Bình, khi Nghị định mới được ban hành, Trường Mầm non Thạch Bình đã bám sát Nghị định và hướng dẫn phụ huynh, giáo viên thực hiện đảm bảo đúng, đủ, kịp thời các quyền lợi cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn được tới trường. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị định có tác động tích cực tới việc vận động trẻ ra lớp và ăn bán trú tại trường. Từ khi có chính sách hỗ trợ ăn trưa, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em đồng bào dân tộc vùng khó khăn được ăn tại trường, các cô giáo chăm sóc hàng ngày nên sức khỏe được cải thiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm rõ rệt.
Anh Đinh Văn Chiến, một phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Thạch Bình cho biết: Nhà tôi ở cách khá xa điểm trường chính. Những năm trước, khi cháu đầu tiên đủ tuổi đến trường, tôi đành để ở nhà để ông bà chăm nom. Nhưng ông bà cũng phải làm việc nhà và việc đồng, nên nhiều thời điểm không có ai hỗ trợ, chúng tôi cũng đành liều để con tự chơi ở nhà. Đến cháu này, may mắn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa của Chính phủ, gia đình tôi rất phấn khởi. Cháu đi học đều, nhanh nhẹn và tăng cân khỏe mạnh.
Bà Hoàng Thị Xuân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan cho biết: Huyện Nho Quan có 5 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, đó là Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long và Quảng Lạc. Ngay khi Nghị định 105/2020/NĐ-CP mới được ban hành, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan đã chỉ đạo các trường học triển khai, phổ biến trong các buổi họp hội đồng giáo dục; các buổi họp cha mẹ học sinh để truyền đạt các thông tin quan trọng của Nghị định.
Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán, phân bổ, chi trả lương, hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách để thực hiện. Qua thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo, giáo dục mầm non ở huyện Nho Quan đã có bước phát triển mới. Theo thống kê năm học 2019-2020, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp ở bậc học mầm non đạt 97%. Điển hình như ở xã Kỳ Phú, trước thời điểm áp dụng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp mới đạt trên 80%, thì hiện nay đã tăng lên 99%; 100% trường mầm non tổ chức học 2 buổi/ngày và đều tổ chức ăn bán trú cho trẻ.
Tuy nhiên, cũng theo bà Hoàng Thị Xuân, hiện nay ở bậc học mầm non có hai độ tuổi, đó là độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Nhưng theo các quy định về đối tượng thụ hưởng ở trong Nghị định, thì chính sách hỗ trợ này mới chỉ dành cho các cháu mẫu giáo từ 36-72 tháng tuổi. Còn đối với nhóm nhà trẻ dưới 3 tuổi thì vẫn chưa phải là đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ huy động trẻ tới lớp ở độ tuổi nhà trẻ của huyện Nho Quan mới chỉ đạt từ 30-40%. Rất mong thời gian tới đối tượng nhóm nhà trẻ cũng sẽ được quan tâm để tăng tỷ lệ các cháu tới trường.
Đào Hằng