Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VNPT Ninh Bình Phạm Ngọc Minh cho biết: Sau 5 năm triển khai tái cơ cấu, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam nói chung, VNPT Ninh Bình nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng, chuyển đổi mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp số, khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Với mục tiêu đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh; tạo ra lực lượng lao động có trí tuệ, đạo đức, tác phong làm việc khoa học, tiên tiến, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường số; xây dựng, đào tạo được đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, phẩm chất đạo đức, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời có kinh nghiệm thực tiễn, dẫn dắt thành công chiến lược chuyển đổi số trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, VNPT Ninh Bình đã chủ động tổ chức đào tạo, đảm bảo tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả cao.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VNPT Ninh Bình Phạm Ngọc Minh: Để tạo ra sự đột phá về nguồn nhân lực, VNPT Ninh Bình đã nỗ lực xây dựng một môi trường, một doanh nghiệp đào tạo, học tập tốt. Trong đó VNPT Ninh Bình đã triển khai xây dựng quy chế đào tạo nội bộ của đơn vị, quy định rõ về các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo nội bộ; về hỗ trợ chi phí cho người lao động, thù lao giảng viên, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo...
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ là những người có trình độ chuyên môn cao, năng lực tốt, có khả năng sư phạm; cho đi đào tạo, tổ chức đánh giá và đề nghị Tập đoàn công nhận là giảng viên nội bộ của Tập đoàn.
Triển khai xây dựng thư viện các bài giảng liên quan, bài kiểm tra, đánh giá đến từng lĩnh vực chuyên môn, quản lý; người soạn bài giảng, bài đánh giá đều có thù lao theo quy định.
Bố trí, cử người lao động tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, CEO, miniMBA tại các trung tâm đào tạo của ngành theo các lớp, khóa do Tập đoàn tổ chức.
Cùng với đó, VNPT Ninh Bình tự tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nội bộ với các nội dung đáp ứng yêu cầu hiện tại, phù hợp với xu hướng phát triển, lấy đào tạo nội bộ làm chính và dựa trên chính đội ngũ giảng viên nội bộ hoặc mũi nhọn của đơn vị đã được đào tạo giảng dạy.
Tự xây dựng phần mềm (App) đào tạo và truyền thông nội bộ với mục đích học online, học mọi lúc, mọi nơi và có kiểm tra, đánh giá được kết quả. Sau đó tổ chức triển khai tự học tập, đào tạo cho toàn bộ người lao động trên App này. Có cơ chế đánh giá liên quan đến tiền lương hàng tháng nếu như kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu; mỗi tuần sẽ có ít nhất 1 bài đào tạo hoặc truyền thông và đều có kiểm tra, đánh giá nhận thức.
"Từ tháng 6/2021, trước mỗi ngày làm việc (trước 7h30), người lao động đều phải kiểm tra trắc nghiệm về an toàn vệ sinh lao động trên chương trình số hóa địa bàn với 3 câu hỏi, nếu không đạt phải kiểm tra lại, nếu kiểm tra lại không đạt sẽ không được nhận phiếu thi công và không tính ngày công hôm đó.
Hàng quý, toàn bộ nhân sự quản lý, người lao động của đơn vị, kể cả lãnh đạo đơn vị, đều phải kiểm tra nhận thức về an toàn thông tin. Đây là tiêu chí đánh giá BSC, khen thưởng hàng quý và hàng năm của đơn vị và cá nhân"- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VNPT Ninh Bình Phạm Ngọc Minh dẫn một minh chứng cụ thể.
Cùng với những việc làm nêu trên, VNPT Ninh Bình đã triển khai mạnh mẽ mô hình đào tạo chứng chỉ công nghệ, kỹ thuật theo định hướng chiến lược VNPT 4.0, chủ động tạo nguồn nhân lực công nghệ số với chất lượng quốc tế, yêu cầu Tổ trưởng, lãnh đạo Trung tâm phải có chứng chỉ quốc tế CCNA.
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đơn vị đã có đột phá ấn tượng với 26 lao động được cấp chứng chỉ kỹ thuật quốc tế (lao động có chất lượng cao), chiếm 15,5% lao động toàn đơn vị. Dự kiến hết năm 2021 số lao động chất lượng cao chiếm 30%.
Hiện đơn vị có 8 người trình độ cao cấp lý luận chính trị; 20 người trình độ trung cấp lý luận chính trị; trình độ cao học hiện có 14 người, trong năm 2021 sẽ có 20 người tốt nghiệp cao học, nâng tổng số người lao động có trình độ thạc sĩ lên 34 người, chiếm 20% tổng số người lao động; đại học 92 người, chiếm trên 54%.
Mặt khác, đơn vị đã ban hành cơ chế đánh giá, trả lương theo phương pháp 3Ps và giao đánh giá thẻ điểm cân bằng BSC nhằm khuyến khích người lao động phát huy hết năng lực, sở trường, theo đó kết quả học tập của cá nhân và đơn vị đều gắn với tiền lương thông qua kết quả BSC/PKI. Đơn vị cũng đã ban hành quy định khen thưởng đối với người lao động đạt bằng và chứng chỉ quốc tế để tạo động lực cho người lao động. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã khen thưởng 224 triệu đồng cho người lao động đạt chứng chỉ quốc tế.
"Thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là tự đào tạo, bồi dưỡng, đã giúp cho đội ngũ lao động của VNPT Ninh Bình có đầy đủ ý thức trách nhiệm; kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ cho các khách hàng.
Về chất lượng dịch vụ di động, băng rộng, MyTV, độ hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ, VNPT Ninh Bình trong top 10/63 đơn vị tốt nhất toàn Tập đoàn; về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2020 xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đời sống thu nhập người lao động được đảm bảo và đạt mức khá trong tỉnh".- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VNPT Ninh Bình Phạm Ngọc Minh cho biết.
Vân Giang