P.V: Thưa ông, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh thành lập đến nay đã được 10 năm. Đồng chí có thể giới thiệu đôi nét về quá trình xây dựng và phát triển tổ chức hội? Đ/c Tạ Quang Chính: Cùng với sự ra đời của tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin các tỉnh, thành trong cả nước, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Ninh Bình được thành lập ngày 9/8/2006 theo Quyết định của UBND tỉnh. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, các ban, ngành đoàn thể trong tỉnh và sự đùm bọc sẻ chia của toàn xã hội, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Ninh Bình đã từng bước phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả, xứng đáng là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao. Hiện nay, hệ thống tổ chức của Hội đã được phát triển ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành hội; 144 chi hội ở xã, phường, thị trấn với trên 6.800 hội viên. Từ khi thành lập đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Ninh Bình luôn hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua "vì nạn nhân chất độc da cam" do Trung ương Hội phát động, phối hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, các tầng lớp nhân dân "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" đồng thời tuyên truyền, vận động NNCĐDC thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương.
Mặc dù hoạt đông trong điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ hội chuyên trách chủ yếu là cán bộ quân đội về hưu, nhiều người là thương, bệnh binh và là nạn nhân CĐDC, sức khỏe hạn chế nhưng vẫn rất tích cực, nhiệt tình tham gia công tác với tinh thần "đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, vì nạn nhân chất độc da cam". Phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam" tiếp tục đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước, huy động được nhiều nguồn lực chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam. Cuộc sống của các gia đình nạn nhân trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, nhiều nạn nhân vượt khó vươn lên. Hội thực sự tạo được niềm tin với cấp ủy, chính quyền địa phương và được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Với những thành tích đã đạt được, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Ninh Bình đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba. Ngoài ra, các cấp huyện hội và cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Hội cấp trên khen thưởng.
P.V: 10 năm qua, Hội đã làm gì để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nạn nhân?
Đ/c Tạ Quang Chính: Chăm lo đời sống cho nạn nhân da cam là nhiệm vụ hàng đầu, được các cấp Hội quan tâm triển khai. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Hội đã phát động phong trào thi đua "vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, gắn với phong trào thi đua khác ở các địa phương và được cụ thể hóa bằng những mục tiêu trọng tâm trong nhiệm vụ hàng năm của các cấp Hội. Các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, đồng thời làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam làm hồ sơ đề nghị xét hưởng trợ cấp chế độ da cam. Hàng năm, Thường trực tỉnh Hội tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình nạn nhân vào dịp lễ, tết, ngày 10/8…Bên cạnh đó, thường trực Hội các cấp luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân da cam bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: hỗ trợ làm nhà và sửa nhà cho nạn nhân; giúp vốn sản xuất; trao học bổng cho con, cháu nạn nhân; tặng xe lăn; phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí…10 năm qua, đã có 57.330 lượt gia đình nạn nhân da cam được chăm sóc, giúp đỡ với tổng số tiền trên 21,2 tỷ đồng.
Năm 2011, các cấp Hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện tích cực, nghiêm túc cuộc khảo sát thống kê "người bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam". Kết quả cuộc khảo sát đã góp phần tích cực giúp Trung ương Hội và UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Đảng, nhà nước quan tâm hơn nữa đến việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt nam.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Tỉnh Hội được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với Đài PTTH tỉnh tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu nghệ thuật, vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, xây dựng quỹ NNCĐDC các cấp. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Kết quả cuộc vận động sẽ được thông báo tại buổi truyền hình trực tiếp tối 6/8/2016.
P.V: Để việc ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh ta được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới các cấp Hội sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?
Đ/c Tạ Quang Chính: Phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua, trước mắt năm 2016 và những năm tiếp theo, các cấp Hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông tri số 25-TT/TƯ ngày 13/7/2015 của Tỉnh ủy Ninh Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn, củng cố tổ chức hội, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ hội, nhất là tổ chức hội ở cơ sở. Phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, góp phần đưa cuộc vận động "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả bền vững. Cùng với đó, Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chức năng phản biện xã hội. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát phát hiện những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, làm cơ sở đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con, cháu họ bị nhiễm và di chứng bởi chất độc hóa học trong chiến tranh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thùy Phương (thực hiện)