Thế nhưng, ký ức ấy nhanh chóng lùi xa khi những con đường bê tông phẳng lỳ đưa chúng tôi đến tận trung tâm xã. Đây cũng chính là "cung đường vui" đưa Khánh Thành xích gần hơn với trung tâm huyện. Con đường đã trở thành "dấu ấn" lịch sử đối với người dân nơi đây bởi bao đời mơ ước nay đã thành hiện thực.
Tiếp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thành Phạm Thế Dân hồ hởi nói: Không chỉ có con đường 481C từ huyện đến Khánh Trung, Khánh Thành được đổ bê tông, mà hiện nay tất cả các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm ở Khánh Thành đều được đổ bê tông. Thậm chí các tuyến chính nội đồng cũng đã được cải tạo, mở rộng và nâng cấp bằng vật liệu cứng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại cũng như trong sản xuất. Hệ thống đường giao thông phát triển nên ở Khánh Thành không chỉ có chợ mà còn có Bến xe khách, người dân thêm nhiều cơ hội để giao lưu hàng hóa..!
Dẫn chúng tôi thăm một số mô hình sản xuất và khu quy hoạch trang trại chăn nuôi ở xóm 13 giáp đê sông Đáy, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thế Dân cho biết thêm: Sự thay đổi của Khánh Thành hôm nay bắt nguồn từ cuộc "cách mạng" xây dựng nông thôn mới (NTM). Còn nhớ, trước năm 2010, khi được tỉnh, huyện chọn là một trong những xã làm điểm về đích xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, Khánh Thành mới đạt 7/19 tiêu chí. Trong đó khó khăn chủ yếu là kết cấu hạ tầng, đường giao thông liên xã mới chỉ là đường đất được đổ bằng vật liệu cứng, còn đường làng, ngõ xóm thì nhỏ hẹp; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; hệ thống sông ngòi bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi; nhân dân trong xã chưa được sử dụng nước sạch, chủ yếu là dùng nước giếng khoan…
Cuộc "cách mạng" nông thôn mới ở Khánh Thành khởi đầu từ việc rà soát các tiêu chí, lên phương án quy hoạch tổng thể. Phương châm chỉ đạo xuyên suốt mà Ban Thường vụ Đảng ủy xã đề ra, đó là: xây dựng NTM mục đích chính là phục vụ lợi ích của những người nông dân, vì vậy phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của tập thể, của bà con nhân dân. Khi lòng dân đã đồng thuận thì mới bàn đến vấn đề quy hoạch, từ chuyện nhỏ như chỉ làm một đoạn kênh mương đến việc lớn như làm đường giao thông liên xã, liên thôn, quy hoạch khu nghĩa trang, xây nhà văn hóa, sân vận động...
Từ đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra: từ chuyện lợi ích trước mắt đến lợi ích lâu dài, từ nguồn vốn tài chính đến chuyện bảo vệ môi trường… cũng được bàn thảo kỹ lưỡng, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế. Khi quy hoạch tổng thể đã được huyện phê duyệt, từ cán bộ xã đến cán bộ thôn đều chung lưng đấu cật cùng nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Với sự trợ giúp của các cấp, các ngành, nhân dân đã tự nguyện góp công, góp tiền để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác. Việc xây dựng nông thôn mới trở thành việc chung của muôn người, muôn nhà. Chính vì vậy, chỉ trong 3 năm (2010-2013), Khánh Thành đã huy động nguồn lực lớn với trên 559 tỷ đồng, trong đó người dân đã đóng góp tiền của, ngày công, hiến 18.864 m2 đất để mở rộng mặt đường giao thông; hiến 64.000 m2 đất mở rộng đường nội đồng, dỡ bỏ hàng nghìn mét vuông tường bao, nhà và các công trình phụ. Nhiều người tự nguyện hiến đất, không ít người con Khánh Thành ở trên mọi miền Tổ quốc cũng đã góp tiền để chung tay xây dựng NTM.
Đến nay, các công trình như đường giao thông, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Mọi hạng mục thi công đều được dân giám sát, kiểm tra nghiêm túc. Mỗi công trình sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng đều được minh bạch hóa nguồn vốn đầu tư. Do vậy, không có tình trạng băn khoăn, khiếu kiện.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, để giảm nghèo bền vững, Khánh Thành xác định yếu tố tiên quyết là phải làm thay đổi nhận thức, khuyến khích người dân dám nghĩ, dám làm, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT. Công tác quy hoạch vùng trồng, dồn điền, đổi thửa… được chú trọng. Năm 2003, bình quân mỗi hộ có 1,86 thửa, nay chỉ còn 1,1 thửa/hộ. Từ đây, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng trở nên thuận lợi hơn. Hiện nay, toàn xã đã có 20 máy phục vụ làm đất, 9 máy gặt, 15 máy tuốt lúa.
Sản xuất nông nghiệp của xã có bước phát triển toàn diện. Nếu như những năm 2000, các dòng lúa thuần, giống lúa chất lượng cao chỉ chiếm 30-40% thì nay đã chiếm tới 95% diện tích canh tác. Đặc biệt, ở Khánh Thành, cây vụ đông đã đạt 80% diện tích đất 2 lúa và đang trở thành vụ sản xuất chính cho thu nhập cao. Hiện Khánh Thành đã có 1 tổ hợp tác gồm 60 hộ, hoạt động với mô hình sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản. Người Khánh Thành vốn cần cù trong lao động nhưng cũng luôn nhạy bén trong cơ chế thị trường, biết vận dụng linh hoạt cơ chế "4 nhà" nên có thể nói, nông sản ở đây chưa bao giờ bị tư thương ép giá hoặc sản phẩm nông nghiệp làm ra bị ế không tiêu thụ được.
Sức bung của cơ chế thị trường cùng sự năng động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, sự cần cù, chịu khó của người dân Khánh Thành đã tạo nên "cung đàn vui" cho vùng quê giàu truyền thống. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có bước chuyển mạnh mẽ đã tạo điểm nhấn cho bức tranh nông thôn mới ở Khánh Thành. Hiện nay, ở Khánh Thành có 1 Xí nghiệp gạch tuynel với công suất 20 triệu viên/năm; 4 cơ sở may công nghiệp, 17 cơ sở hàn xì, sửa chữa máy móc; 7 doanh nghiệp vừa và nhỏ; hàng chục phương tiện vận tải…, đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương (90,5% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên).
Bằng sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện, năm 2013, Khánh Thành là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện và của tỉnh cán đích Nông thôn mới với những con số ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13% năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%. 19/19 thôn xóm có nhà văn hóa, 80% xóm, 90% gia đình đạt tiêu chí văn hóa; 95% nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, xã không còn nhà tạm, dột nát; 100% hộ được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh…
Hôm nay trở lại Khánh Thành, nghe cán bộ và người dân háo hức bàn chuyện giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới, nhiều người cho rằng, chuyện quản lý, rồi chuyện làm thế nào để phát huy và nhân rộng những mô hình sản xuất… cũng đều phải tính toán trên cơ sở khoa học để phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Còn Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thế Dân cho rằng, yếu tố làm nên thành công của Khánh Thành là xã đã biết huy động được sức mạnh tổng lực, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội để xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để duy trì, phát triển và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới, vai trò chủ thể của nông dân phải được đề cao, bởi suy cho cùng, động lực của xã đạt chuẩn nông thôn mới chính là việc nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Đinh Ngọc