"Cánh đồng mẫu lớn" tạo ra khối lượng sản phẩm lớn
Tiêu chí chung của "Cánh đồng mẫu lớn" là diện tích phải từ 100 ha trở lên; gieo cấy cùng một loại giống lúa, đồng trà; cùng thực hiện một quy trình kỹ thuật canh tác; đưa máy móc vào thực hiện các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thu mua sản phẩm. Từ vụ đông xuân 2011-2012, huyện Yên Khánh đã bố trí 7 vùng sản xuất theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" ở các xã: Khánh Nhạc, Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Vân, Khánh Mậu, Khánh Hội, Khánh Thủy. Ngay trong vụ sản xuất đầu tiên, 7 vùng được triển khai ở 7 xã đã gieo cấy được 790 ha giống lúa QR1 (đạt 113% kế hoạch) với 5.501 hộ tham gia.
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Trong vụ đông xuân 2012-2013, toàn bộ diện tích trong dự án được gieo cấy ở trà xuân muộn với hình thức gieo sạ thực hiện ở xã Khánh Hải 100 ha, Khánh Cư 40 ha, số còn lại gieo mạ và cấy theo hình thức truyền thống. 100% diện tích trong vùng dự án đã được các HTX nông nghiệp tổ chức làm đất bằng máy, đảm bảo được chất lượng và thời vụ. Xã Khánh Hải, Khánh Cư đã áp dụng hình thức gieo vãi giảm được 1 công cấy/sào (tương đương với 27 công/ha), giảm được chi phí, chủ động được thời vụ và đẩy nhanh được tiến độ sản xuất.
Các hộ nông dân tham gia dự án đã tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật sử dụng phân bón NEB-26 thay thế 50% lượng đạm urê, đồng thời hạn chế được sâu bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chăm sóc, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật; chỉ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi tới ngưỡng… Do được gieo cấy đồng trà, cùng giống nên thời gian thu hoạch lúa tập trung và có điều kiện để đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch nhằm giải phóng nhanh đồng ruộng; thay thế sức lao động, tiết kiệm chi phí và hao hụt trong quá trình sản xuất.
Toàn huyện đã có 22 máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch lúa với 1 máy thay thế khoảng 75 lao động, tiết kiệm chi phí trong khâu thu hoạch khoảng 2.700.000 đồng/ha. Năng suất lúa thực thu trong vùng đạt từ 230-260 kg/sào (tương đương 64-68 tạ/ha), cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 10%. Về tiêu thụ, Tổng Công ty lương thực Miền Bắc đã ký hợp đồng thu mua trên 100 tấn lúa thương phẩm QR1, giá tại thời điểm vụ đông xuân năm 2012 là 7.100 đồng/kg. Tính toán trên lý thuyết, các vùng thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn" của huyện đã tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung, với sản lượng ước đạt 5.450 tấn.
Khi thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", người nông dân áp dụng cùng quy trình kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 2.700.000- 3.000.000 đồng/ha (nếu gieo vãi giảm ở khâu cấy 1.930.000 đồng/ha; phân bón giảm được 1.230.000 đồng/ha; khâu thu hoạch giảm được 1.120.000 đồng/ha; phòng trừ sâu bệnh giảm được 280.000 đồng/ha…).
Thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 4.600.000-5.500.000 đồng/ha, tăng khoảng 18%. Từ kết quả đó, vụ mùa năm 2012, huyện Yên Khánh đã mở rộng diện tích "Cánh đồng mẫu lớn" ra các địa phương khác theo quy mô từ 40-50 ha/cánh đồng trở lên. Vụ mùa 2012, có thêm 7 xã của huyện tham gia đạt diện tích 1.400 ha và vụ đông xuân 2012-2013 lên 1.700 ha với tất cả các xã, thị trấn còn lại đều tham gia thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" và được duy trì đều đặn đến nay.
"Cánh đồng liên kết"-chú trọng đến thu nhập cho người nông dân
Nhìn nhận một cách toàn diện, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" có 5 tiêu chí, thì 3 tiêu chí đã thực hiện tốt là: Diện tích; đồng trà, đồng giống; cùng một quy trình kỹ thuật canh tác. 2 tiêu chí còn lại vẫn còn khó khăn và bất cập, trong đó tiêu chí liên kết với doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm vẫn là khó khăn lớn. Sản phẩm sản xuất ra trong mô hình chủ yếu vẫn do người nông dân tự tiêu thụ, tự cung, tự cấp dễ dẫn đến tình trạng dư thừa, ế ẩm, ép giá… và như vậy hiệu quả của sản xuất sẽ rất thấp, nhất là đối với những cánh đồng sản xuất loại cây trồng khác ngoài cây lương thực (rau, dưa, khoai lang…).
Để giải quyết tình trạng này, gần đây các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khuyến cáo và đưa ra mô hình sản xuất "Cánh đồng liên kết". Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), "Cánh đồng mẫu lớn" nhấn mạnh đến phương thức sản xuất, hướng đến quy mô sản xuất lớn, còn "Cánh đồng liên kết" nhấn mạnh đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối "liên kết" giữa sản xuất với tiêu thụ. Đây chính là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, chứ không phải dựa trên quy mô lớn hay nhỏ.
Cánh đồng liên kết nhấn mạnh khía cạnh liên kết giữa các tác nhân với nhau, tức là "Cánh đồng liên kết" chỉ về nội dung tổ chức sản xuất nhiều hơn. Trong mô hình liên kết, người nông dân phải liên kết với nhau trong hình thức kinh tế hợp tác; giữa người nông dân và doanh nhân gắn kết với nhau trong các hình thức không phải chỉ liên kết hai chiều mà là đa chiều để vừa xử lý đầu vào, vừa xử lý đầu ra và xây dựng chuỗi ngành hàng.
Như vậy, "Cánh đồng liên kết" không chú trọng đến quy mô diện tích, để phát triển ổn định, bền vững mấu chốt là phải giải quyết được khâu tiêu thụ sản phẩm. Nông dân phải phối hợp sản xuất quy mô hợp lý theo từng vùng để đảm bảo cung cầu. Muốn bán hàng được giá buộc phải liên kết với doanh nghiệp và phải có sự gắn bó của chính quyền. ở đây vai trò của doanh nghiệp là trung tâm tham gia mô hình "Cánh đồng liên kết" từ đầu đến cuối. HTX là tổ chức đại diện cho người nông dân ký kết hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp.
Với tinh thần như vậy, có thể thấy dự án sản xuất giống lúa chất lượng cao (QR1) của Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang tại xã Khánh Cường, Khánh Trung (Yên Khánh) là những cánh đồng liên kết. Thực hiện dự án, Công ty đã ký hợp đồng với các HTX nông nghiệp của hai xã trên với hàng nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất giống QR1 trên quy mô 200 ha. Các hộ gia đình tham gia sản xuất theo sự hướng dẫn về quy trình kỹ thuật của Công ty từ khâu giống, làm đất, gieo mạ, cấy, khử lẫn tạp, thu hoạch đến phơi sấy và được Công ty thu mua lại sản phẩm với thu nhập đảm bảo bằng 1,2 lần so với cấy lúa LT2.
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình cho biết: Với điều kiện và khả năng của mình, Công ty mong muốn tổ chức sản xuất lúa theo một quy trình kép kín từ khâu làm đất đến gieo cấy, thu hoạch và phơi sấy, Công ty có thể tổ chức hoạt động dịch vụ cho người nông dân. Khi đó, người nông dân có ruộng trong vùng sản xuất thực sự được giải phóng chỉ chú ý đến khâu chăm sóc, bảo vệ và nhận tiền khi có sản phẩm. Mong muốn đó là có cơ sở bởi Công ty đã đầu tư tuyển chọn bộ giống lúa tốt, có điều kiện trang bị máy làm đất, máy cấy, lò sấy và đang xây dựng nhà máy xay xát lúa…, nhưng cũng cần có sự đồng tình ủng hộ chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp và người nông dân.
Phát triển sản xuất đem lại hiệu quả, thu nhập cho người nông dân là xu hướng chung của nền nông nghiệp hiện nay. Mô hình "Cánh đồng liên kết" là giải pháp tối ưu thực hiện xu hướng này trong lĩnh vực trồng trọt và sự cần thiết có nhiều cánh đồng như vậy nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững
Đinh Chúc