Phóng viên (PV): Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm được triển khai ở Việt Nam từ năm 2014. Vậy sự đón nhận của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình về Ngày Quốc tế hạnh phúc được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí? Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Xuất phất từ ý tưởng và đề xuất của Vương quốc Phật giáo Bhutan, là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc hàng đầu Thế giới, ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia bằng việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Tháng 6 năm 2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Có 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên đã được Liên hiệp quốc tổ chức vào 20/3/2013 với thông điệp chính thức được phát đi trên toàn thế giới: "Hãy hành động vì hạnh phúc". Tại Việt Nam nói chung và ở Ninh Bình nói riêng, thực hiện Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm", đã có nhiều hoạt động thiết thực tuyên truyền, hưởng ứng thu hút sự quan tâm và tạo nên hiệu ứng tích cực trong sự chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia hưởng ứng của người dân. Đây là dịp để mỗi người và cộng đồng cùng quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong cuộc sống là: Làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống?
Sở Văn hóa và Thể thao - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành Văn bản hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và ý nghĩa của ngày Quốc tế Hạnh phúc; các tổ chức, đoàn thể quần chúng như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề về hạnh phúc, yêu thương và chia sẻ; các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao được tổ chức ở nhiều nơi…
Nhiều gia đình và các thành viên gia đình đã coi đây là dịp để thể hiện sự quan tâm, trao yêu thương cho những người thân yêu, cùng nhau sum vầy đầm ấm, hạnh phúc. Sau 5 năm triển khai các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn tỉnh, Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã và đang dần trở thành ngày hội của toàn dân, của các gia đình và thành viên gia đình, để từ đó, chúng ta có những hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.
PV: Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2018 là "Yêu thương và chia sẻ" có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: "Yêu thương và chia sẻ" là chủ đề được tiếp nối qua 5 năm liên tục trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm. Với chủ đề này, ngày Quốc tế Hạnh phúc là sự nhắn nhủ đầy ý nghĩa với mọi người - hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau, để cùng mang lại hạnh phúc, xây dựng gia đình hạnh phúc và cộng đồng hạnh phúc.
Đối với mỗi người, hạnh phúc có thể mang những ý nghĩa khác nhau, quan niệm về hạnh phúc tại mỗi thời điểm cũng thay đổi, tuy nhiên, trên tất cả, cảm nhận về hạnh phúc, hướng tới hạnh phúc luôn làm con người sống tươi đẹp hơn. Và, hãy yêu thương, lan tỏa hạnh phúc của mình tới mọi người, hãy hòa với hạnh phúc của cộng đồng chính là ý nghĩa sâu xa của thông điệp này. Từ đó, thúc đẩy những suy nghĩ và hành động tích cực vì mục tiêu mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh để cùng giúp đỡ những người xung quanh hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
PV: Để chủ đề, thông điệp và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 tiếp tục được truyền tải đến người dân và tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, thời gian tới, chúng ta cần làm gì, thưa đồng chí ?
Đ/c Nguyễn Mạnh Cường: Để nâng cao hơn nữa nhận thức và sự tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, trong thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: Chú trọng đến công tác tuyên truyền, coi đây là giải pháp chủ yếu để thực hiện công tác gia đình nói chung và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc nói riêng.
Thực hiện đồng bộ và đa dạng các hình thức tuyên truyền như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động, trực quan trên bảng điện tử, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, bảng tin… tại trụ sở cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học, nơi công cộng…; thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, tư vấn, tuyên truyền có sự tham gia của đông đảo nhân dân ở địa bàn dân cư…
Cùng với đó xây dựng tài liệu tuyên truyền có nội dung thiết thực, gần gũi gắn liền với thực tiễn cuộc sống của người dân để họ dễ hiểu, dễ thực hiện, như; về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình; về xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; về lịch sử, ý nghĩa, chủ đề và thông điệp của Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật về gia đình.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần phối hợp để tổ chức các hoạt động, sự kiện tại cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 như: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt và nói chuyện chuyên đề của các CLB tại cơ sở về xây dựng gia đình hạnh phúc tại các địa bàn dân cư; tổ chức Ngày hội hạnh phúc; lễ mừng các cặp vợ chồng cao tuổi tiêu biểu hạnh phúc…
Đặc biệt, ở một cộng đồng dù lớn hay nhỏ, mỗi người thân, người bạn, người đồng nghiệp, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị… bằng những hành động thiết thực nhất, hãy cùng yêu thương và chia sẻ để góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Chỉ khi có sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, của mỗi gia đình, mỗi cá nhân thì mới thực hiện được mục tiêu xây dựng cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đào Hằng (Thực hiện)