Đồng chí Tạ Ngọc Nha, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng của thôn Lục Động sau khi đã "cải tổ". Những thửa ruộng đã được chỉnh trang, không nhìn thấy một mốc bờ ngăn cách, lúa xuân đã lên cao quá đầu gối, xanh mơn mởn. Dọc tuyến đê hồ Yên Thắng hình thành hơn chục mô hình ao cá, ruộng lúa được quy hoạch bài bản với quy mô 1-2 ha/mô hình.
Ông Phạm Xuân Thủy, một hộ dân trong thôn cho biết: Trước đây, vùng đất này là thùng đào, thùng đấu ven đê sản xuất lúa bấp bênh. Qua đi tham quan học tập nhiều nơi, thấy mô hình sản xuất lúa - cá có hiệu quả, tôi rất muốn áp dụng nhưng đất đai manh mún thì không thể làm được. Nhờ có chủ trương dồn điền đổi thửa của xã, giờ đây 17 nghìn m2 đất nông nghiệp của gia đình đã liền mảnh và được đầu tư cải tạo thành 1 ao rộng 7.000 m2 để thả cá, một phần làm chuồng chăn nuôi, diện tích còn lại cấy lúa. Năm vừa qua, gia đình thu hoạch trên 10 tấn lúa, 4 tấn cá các loại..., doanh thu đạt trên 200 triệu đồng.
Gia đình nhà chị Nguyễn Thị Hương sau khi dồn điền đổi thửa không có điều kiện làm mô hình VAC nhưng chị cũng rất phấn khởi chia sẻ: thực hiện dồn điền đổi thửa, mỗi gia đình giờ chỉ còn 1-2 mảnh, cấy lúa, trồng màu, thả cá đều thuận tiện, vừa giảm bớt công lao động lại vừa thuận tiện cho máy móc vào hoạt động, chi phí giảm đi rõ rệt. Việc khoanh vùng điều tiết nước cũng dễ dàng hơn, năng suất lúa tăng. Dồn điền đổi thửa đã đi vào lòng dân rồi. Nhiều hộ đưa xe, máy ra đồng đào đất, đắp bờ vùng, bờ thửa, tự bỏ ra cả chục triệu đồng thuê máy xúc về cải tạo lại đồng ruộng.
Thôn Lục Động có 77 hộ dân với tổng diện tích đất nông nghiệp gần 27 ha. Trước đây, trung bình mỗi hộ trong thôn có từ 4-7 thửa ruộng khác nhau. Hiện nay, hơn 50 hộ dân đã tự nguyện chuyển đổi đất cho nhau, dồn được hơn 20 ha, các hộ còn lại cũng đang tiếp tục dồn đổi. Mặc dù chưa thực hiện quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng nhưng đường giao thông ra đồng, bờ vùng, bờ thửa đã được xã cắm mốc phân định ranh giới rõ ràng, bố trí khoa học, hợp lý theo đúng tiêu chí quy định trong xây dựng nông thôn mới.
Kết quả bước đầu cho thấy, dồn điền đổi thửa đã giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất cho người nông dân. Từ chỗ phải canh tác trên nhiều thửa ruộng ở các cánh đồng khác nhau nay chỉ tập trung sản xuất tại 1 thửa, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới.
Được biết trước đây, Lục Động là một thôn nằm trong khu vực đồng trũng, cấy lúa 2 vụ kém hiệu quả. Do đó một số hộ dân ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ cá, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần làm 2 vụ lúa. Trên cơ sở đó, năm 2011, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã quyết định phải dồn điền đổi thửa để mở rộng mô hình này, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều cuộc họp được tổ chức từ xã đến thôn để cán bộ, đảng viên và nhân dân bàn bạc công khai, dân chủ, cùng góp ý kiến đi đến thống nhất phương án dồn đổi.
Tiểu ban dồn điền đổi thửa được thành lập, huy động cán bộ địa chính xã, HTX dịch vụ nông nghiệp, các đoàn thể cùng tham gia. Cùng với đó, việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, phương án thực hiện của xã trong dồn điền đổi thửa được triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đài truyền thanh thông tin thường xuyên, liên tục mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, giải pháp thực hiện dồn điền đổi thửa theo tiêu chí nông thôn mới được áp dụng tại địa phương, biểu dương hộ nông dân sản xuất giỏi nhờ tích tụ được ruộng đất để người dân hiểu rõ việc dồn điền đổi thửa là nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, để khuyến khích người dân tự nguyện tham gia.
Nói về thành công trong dồn điền đổi thửa, đồng chí Tạ Ngọc Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái chia sẻ: Dân đã thông thì làm rất dễ và nhanh, đúng như lời Bác Hồ đã dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Nguyễn Lựu