Cơ cấu cây trồng: Lúa lai gồm Nhị ưu 838, Đại dương 8, Nam dương 99; lúa thuần gồm Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, nếp 97; cây màu gồm lạc xuân, ngô, đậu xanh, lạc đông. Chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún: 100% hộ chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nông hộ; trên địa bàn có 3 trang trại chăn nuôi và 53 gia trại với con nuôi chủ yếu là gia cầm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là 86,1 ha, trong đó: Ao hồ nhỏ trong nhân dân là 24,17 ha, diện tích sản xuất theo mô hình lúa-cá là 61,93 ha, với hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến, chưa có hộ đầu tư nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh.
Sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt 187 tấn; riêng diện tích sản xuất theo mô hình cá-lúa, người dân thả cá với mật độ thấp (0,5-1 con/m2), năng suất đạt 0,5-1 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Nhìn chung chất lượng vệ sinh an toàn nông sản, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát từ đầu vào, trong quá trình sản xuất đến đầu ra và tiêu thụ sản xuất.
Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách giúp Yên Thái triển khai tổ chức sắp xếp lại quy hoạch sản xuất, thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, chú trọng sản xuất nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau hơn 1 năm triển khai, ở lĩnh vực trồng trọt, Sở đã hướng dẫn xây dựng hai vùng trồng trọt đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (một vùng cấy lúa, một vùng trồng màu); mở 12 lớp cho 1.242 lượt người tham gia tập huấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho 4 vùng sản xuất; thành lập và tập huấn cho đội phun thuốc thuê (16 người); tập huấn cho 20 chủ cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn; lấy mẫu sản phẩm lúa và cây màu tại các vùng sản xuất gửi phân tích; lắp bốn biển hiệu vùng sản xuất an toàn; hoàn thành xây dựng 69 bể đựng bao bì thuốc BVTV; hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hai cơ sở đủ điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn...
Lĩnh vực chăn nuôi, thú y, đã tổ chức tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, pháp luật về thú y cho các hộ chăn nuôi của 13 xóm; cấp đủ vật tư và tổ chức tiêm phòng vắcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; lấy 70 mẫu đánh giá kháng thể sau tiêm phòng; lấy mẫu giám sát lưu hành dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (264 mẫu); tổ chức 5 đợt kiểm tra các quầy bán vật tư thú y trên địa bàn; kiểm dịch cho 1.057 con lợn trên địa bàn xuất bán ra tỉnh ngoài; hỗ trợ 100 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các hộ chăn nuôi; hướng dẫn xã đăng ký xây dựng địa bàn an toàn dịch bệnh...
Lĩnh vực thủy sản, phối hợp với xã chọn thôn Lộc Động xây dựng mô hình nuôi thủy sản ruộng trũng quy mô 5 ha với 10 hộ tham gia; xây dựng mô hình nuôi ghép cá chép lai ở vùng ruộng trũng chuyển đổi quy mô 1 ha; lấy và phân tích 280 mẫu môi trường các ao nuôi của các hộ gia đình; lấy 63 mẫu thức ăn, 49 mẫu sản phẩm thủy sản gửi đi phân tích; mở 2 lớp tập huấn cho 150 lượt người tham gia; mở một lớp tập huấn nuôi cá bán thâm canh cho 44 hộ; khảo sát chọn các hộ tham gia mô hình nuôi bán thâm canh cá trắm cỏ, chép lai trong ao nổi sử dụng chế phẩm sinh học...
Lĩnh vực khuyến nông, đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho 1.990 lượt người về sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và 100% hộ nông dân tham gia đã ký cam kết thực hiện; khảo sát, lựa chọn, hướng dẫn cho 7 hộ tham gia mô hình gà thả vườn và hỗ trợ 1.000 con gà giống ri lai...
Lĩnh vực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn địa điểm triển khai xây dựng và cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX Phúc Trì, quy mô 2 ha; tổ chức 2 lớp tập huấn cho 151 học viên về phổ biến kiến thức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và kiến thức về an toàn thực phẩm, quy phạm thực hành sản xuất an toàn...
Theo đánh giá của tổ công tác, qua các đợt tập huấn người dân đã nắm vững kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI; phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; việc lựa chọn và sử dụng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV) đúng quy trình, nguyên tắc và đảm bảo thời gian cách ly... do đó chi phí sản xuất giảm, số lần sử dụng thuốc BVTV giảm 1 lần/vụ và hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp.
Các cán bộ kỹ thuật của xã, HTX nắm rõ về các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng, phương pháp điều tra, dự tính, dự báo để chủ động lập kế hoạch phòng trừ hiệu quả. Người dân đã có ý thức trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV để vào nơi quy định; không còn hiện tượng vứt tràn lan trên đồng ruộng.
Đã xây dựng thành công mô hình thâm canh lúa theo SRI với quy mô 25,4 ha và mô hình thâm canh lúa theo hướng VietGap đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Thực hiện mô hình liên kết sản xuất giống đậu xanh và ngô giống cho giá trị sản xuất cao (đậu xanh 30 ha, giá trị thu đạt 40 triệu đồng/ha; lạc giống 35 ha, giá trị thu đạt 112 triệu đồng/ha)...
Lĩnh vực chăn nuôi, thú y cũng có nhiều chuyển biến. Đàn gia súc, gia cầm cơ bản đều tăng, số gia trại, trang trại tăng; công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi từ 70% tăng lên 90%; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ được tăng cường; đàn gia súc, gia cầm an toàn về dịch bệnh; người chăn nuôi am hiểu hơn về các tiến bộ trong chăn nuôi...
Lĩnh vực thủy sản, các hộ đã bước đầu nhận thức được về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Đã có 7 hộ đầu tư xây dựng ao nổi, chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh quy mô 3 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn (cứ 1 ha nuôi thâm canh ao nổi lợi nhuận thu từ 200-300 triệu đồng, trong khi nuôi quảng canh chỉ cho lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng).
Tuy nhiên, từ việc triển khai thực hiện Đề án sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả cho thấy, Yên Thái vẫn còn những khó khăn, vướng mắc là: Do địa hình đất đai không đồng đều bằng phẳng nên ảnh hưởng đến việc bố trí cơ cấu cây trồng cũng như triển khai các giải pháp kỹ thuật, dẫn đến việc sản xuất lúa hàng hóa gặp nhiều trở ngại; tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn còn mang nặng tính tự phát, tiểu nông; quy hoạch sử dụng đất gắn với phát triển kinh tế chưa hoàn chỉnh; các sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu vẫn tiêu thụ tại chỗ, nên giá bán không ổn định...
Đây cũng chính là những vấn đề mà ngành Nông nghiệp cùng với địa phương cần quan tâm tìm biện pháp khắc phục trong thời gian tới để Yên Thái thực sự là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho các địa phương khác học tập, làm theo.
Đinh Chúc