Những ngày đầu tháng 3-2017, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Yên Sơn đang dồn sức thực hiện các tiêu chí còn đang dở dang. Trao đổi với đồng chí Nguyễn Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết: Các tiêu chí mà địa phương đang gấp rút hoàn thành gồm: Tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, cùng với nguồn lực nhân dân đóng góp, doanh nghiệp hỗ trợ, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tiến hành xây dựng nhà văn hóa thôn Vĩnh Khương theo mức kinh phí hỗ trợ của tỉnh.
Đồng thời nâng cấp, mở rộng 3 nhà văn hóa thôn: Đoàn Kết, Lang Ca, Yên Phong theo mức kinh phí hỗ trợ của thành phố Tam Điệp. Cùng với xây dựng các nhà văn hóa, đến nay Yên Sơn đã cải tạo, nâng cấp hoàn thành cơ bản 2 sân vận động bằng nguồn ngân sách xã và một phần thành phố hỗ trợ.
Đối với tiêu chí môi trường, hiện đã có 10/10 thôn thành lập tổ thu gom rác thải và đã tổ chức vận hành thường xuyên. Bằng nguồn ngân sách xã và nhân dân đóng góp (kinh phí ước 600 triệu đồng), xã đang đôn đốc việc chỉnh trang, quy hoạch 6 khu nghĩa trang. Phấn đấu đến cuối quý II/2017, tiến hành đưa quy chế quản lý trật tự, văn minh vào thực hiện.
Được biết, tỷ lệ hộ dân ở Yên Sơn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, song chưa có hộ dân nào được sử dụng nước sạch (nước máy) theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sạch. Ban chỉ đạo xã cũng đã có kế hoạch, phương án thực hiện việc xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ dân sinh.
Năm 2016, xã Yên Sơn đã nhận tiếp quản hệ thống giếng khoan của Công ty cổ phần Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao. Hiện tại Ban chỉ đạo xã đang kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, mời gọi doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng, khai thác hệ thống giếng khoan này để có đủ điều kiện (trữ lượng, chất lượng) cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Dự kiến nguồn kinh phí đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 5 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn doanh nghiệp.
Đối với tiêu chí giao thông, Yên Sơn còn cần nguồn kinh phí khoảng trên 4 tỷ đồng. Điều khá thuận lợi là tuyến đường trục xã - liên xã có 3,7 km đã được bê tông, nhựa hóa 100%. Việc cần phải làm tiếp là tuyến đường trục thôn còn phải làm 2 km nữa (trong tổng số 15km), đường ngõ xóm còn phải làm 1,5 km và đường nội đồng còn phải nâng cấp rải đá cấp phối 8,2 km.
Riêng tuyến đường nội đồng (8,2km), kinh phí dự toán 984 triệu đồng, sẽ lấy từ nguồn ngân sách xã, cùng với huy động đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp giúp đỡ. Việc làm đường giao thông tập trung chủ yếu ở thôn Khánh Ninh. Đây cũng là thôn có tới 75% số hộ là đồng bào dân tộc Mường (135 hộ, 445 khẩu).
Ông Trần Công Đoàn, Trưởng thôn Khánh Ninh chia sẻ: Hiện, ban kiến thiết xây dựng của thôn đã tiến hành giải phóng mặt bằng, lu lèn tuyến đường chính vào thôn với bề mặt thông thoáng 7m, trong đó phần mặt đường bê tông rộng 5m.
Trong tháng 3 này, khi có xi măng, thôn thực hiện việc đổ bê tông 730m. Đây vừa là tuyến đường trục thôn và cũng là liên thôn trong xã, khi hoàn thành vừa tạo điều kiện giao thông thuận lợi, vừa mở rộng phát triển kinh tế vườn đồi của địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sơn chia sẻ: Cùng với việc nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn đang dang dở, xã Yên Sơn không ngừng tăng cường củng cố, hoàn thiện 16 tiêu chí đã hoàn thành.
Giữ vững và củng cố tiêu chí thu nhập, nâng cao mức sống của người dân được xem không dễ ở địa phương có địa hình bán sơn địa này. ở vụ đông xuân, toàn xã cấy 389ha, năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha, sản lượng 2.400 tấn; diện tích trồng cây ngô đạt 20ha, năng suất ước đạt 50 tạ/ha; diện tích gieo trồng cây màu khác 10ha. Nếu trông chờ thu nhập từ nông nghiệp thì quả là rất khó khăn.
Tuy nhiên, hiện xã Yên Sơn có gần 300 hộ buôn bán kinh doanh vừa và nhỏ. Một số loại hình kinh doanh có mức tăng khá, như buôn bán vật liệu xây dựng, sản xuất đồ mộc, dịch vụ vận tải và buôn bán hàng hóa phục vụ sinh hoạt. Số lao động có việc làm thường xuyên gần 3.500 người (đạt 76% trong độ tuổi lao động) có thu nhập ổn định.
Đặc biệt có trên 600 lao động trẻ đang làm việc tại các công ty đóng trên địa bàn có mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Từ vài năm nay, Yên Sơn đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề thành phố Tam Điệp, các doanh nghiệp mở lớp học khâu chăn bông, đan bèo bồng, cói..., tạo việc làm tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Cùng với lợi thế vườn đồi, Yên Sơn chú trọng phát triển chăn nuôi, khai thác lâm nghiệp. Toàn xã hiện có 975 con trâu, bò, 3.500 con lợn, 486 con dê sinh sản và lấy thịt, 320 đàn ong lấy mật... Xã có 215,9ha diện tích đất rừng, trong đó có 83,5ha rừng sản xuất và 31ha diện tích mặt nước (ao, hồ); xã có 233ha ruộng lúa- cá.
Những lợi thế đó, năm 2016, Yên Sơn đã đạt tổng giá trị sản xuất 155 tỷ đồng, vượt kế hoạch 11%, trong đó giá trị nông, lâm, thủy sản chiếm 48% và công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 41%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Yên Sơn đã đạt 33,2 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%.
Bài, ảnh: Minh Đường