Yên Nhân có diện tích đất tự nhiên là 1.105 ha, trong đó có 757 ha đất nông nghiệp. Dân số 11.750 người, số người trong độ tuổi lao động là 7.041 người, chiếm 60%. Những năm qua nhờ những chính sách khuyến khích, phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn Yên Nhân có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân đã khá hơn nhiều. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,67%.
Trong nông nghiệp có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích lúa chất lượng cao chiếm 65%, năng suất bình quân hàng năm đạt 120 tạ/ha. Vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính với diện tích vụ đông trên đất 2 lúa đạt gần 400 ha. Giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác không ngừng tăng lên, năm 2010 đạt 84 triệu đồng/ha/năm, năm 2011 ước đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm.
Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cũng có nhiều khởi sắc. Toàn xã hiện có hơn 1.000 thợ xây hoạt động từ Nam ra Bắc với mức thu nhập bình quân 100-150 nghìn đồng/người/ngày. Các ngành nghề thủ công như đan bèo bồng, bẹ chuối, thêu ren cũng phát triển, thu hút hàng nghìn lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập 20 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra xã còn có 3 điểm may công nghiệp với 100 công nhân thu nhập 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực chiếm tới 85% lao động trong độ tuổi của xã. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ địa chính xã: Mặc dù đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa từ năm 2003 nhưng đến nay xã vẫn còn 2 thôn là Tây Bình Hạ và Trung Bình Hạ chưa làm được, có những gia đình có tới 8-9 thửa ruộng. Các thôn đã dồn điền, đổi thửa cũng chưa triệt để, trung bình mỗi hộ vẫn có 3-4 thửa ruộng. Ruộng đồng nhỏ lẻ, hệ thống thủy lợi nhiều năm qua không được nâng cấp, tu bổ thường xuyên nên không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Hơn 42 km kênh mương mới chỉ cứng hóa được 13 km. Giao thông nội đồng chưa được xây dựng, việc vận chuyển nông sản vẫn phải làm thủ công như gồng gánh, xe kéo tay, xe thồ nhỏ. Với những điều kiện trên, rất khó để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, giảm công lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp "ly nông nhưng không ly hương" cũng không dễ. Những năm qua, xã đã rất nỗ lực để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với hàng trăm lớp dạy nghề đã được mở ra nhưng nghề này cũng không tồn tại được bao lâu do đầu ra không ổn định.
Đồng chí Đỗ Thị Liên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay cơ sở hạ tầng của Yên Nhân rất thiếu và yếu. Trường Mầm mon do xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Hệ thống đường giao thông trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải mới chỉ đạt 30%. Chợ của xã cũng chỉ là chợ cóc với diện tích chưa đầy 400 m2, trong khi đó chợ đạt tiêu chí của Bộ Xây dựng phải là 3.000 m2. Về môi trường nông thôn, xã đã xây dựng 7 điểm thu gom rác thải nhưng lượng rác thải này lại không được xử lý... Như vậy, xét tại thời điểm cuối năm 2010, áp vào bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Yên Nhân mới chỉ đạt 3 tiêu chí, gồm các tiêu chí về văn hóa, Đảng bộ, đoàn thể và an ninh trật tự xã hội; 4 tiêu chí đạt 70%, còn lại chưa đạt. Điều này tạo áp lực lớn đến quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó nặng nề nhất là phấn đấu đạt các tiêu chí về quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, thay đổi tập quán cũ, huy động nguồn lực, vốn đầu tư và phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nguyễn Lựu