Bằng cách làm cẩn trọng, khoa học, các mô hình được xây dựng thành công không những nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng của nền nông nghiệp hiện đại.
Đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều mô hình cây, con có giá trị kinh tế cao. Nổi bật là đã xây dựng mô hình canh tác 4 vụ thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô 5 ha. Kết quả cho thấy, tuy các cây trồng đều là trái vụ nhưng cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, giá trị thu hoạch cao (đạt từ 300-350 triệu đồng/ha).
Do vậy năm 2018, Phòng Nông nghiệp huyện đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp và các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện mở rộng diện tích với quy mô 34,8 ha ở 5 xã. Để khuyến khích tìm mối liên kết, bao tiêu sản phẩm, huyện ban hành cơ chế để các HTX được trả công chỉ đạo điều hành khoảng 10 triệu đồng/ha; các doanh nghiệp cho ứng trước giống, phân bón, thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá đã hợp đồng từ trước. Vì nông sản được cam kết bao tiêu nên năm nay, mặc dù giá khoai tây ngoài thị trường chỉ có 4.000 đồng/1kg nhưng doanh nghiệp vẫn mua giá 7.000 đồng/kg.
Để mở rộng diện tích này, huyện tổ chức 2 hội nghị hội thảo đầu bờ tại xã Yên Thái, mời lãnh đạo các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm về gặp gỡ, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các xã, các HTX nông nghiệp. Hiện nay, huyện đang hoàn thiện quy trình sản xuất, nhằm đảm bảo sản phẩm được bao tiêu 100%. Đây là cách làm hiệu quả nhằm gắn kết hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà nước. Từ thành công của mô hình, huyện đã đưa khuyến cáo đối với các xã có tiềm năng đất màu nên tuyên truyền, động viên nhân dân nhân rộng mô hình này.
Cũng theo đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện: Tuy Yên Mô không có lợi thế về trồng cây ăn quả nhưng từ năm 2016, Phòng Nông nghiệp huyện đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng chuối tây Thái Lan trên đất lúa ở xã Yên Đồng (quy mô 2 ha). Sau một thời gian trồng khảo nghiệm cho thấy cây chuối phát triển rất tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Ngoài ra, còn tận dụng các sản phẩm của chuối làm thức ăn cho cá; thời gian thu hoạch dài, thị trường tiêu thụ ổn định. Do đó, đến nay, toàn huyện đã thực hiện được gần 50 ha áp dụng mô hình này ở các xã Yên Từ, Yên Hòa, Yên Thành.
Cùng với chú trọng xây dựng các mô hình cây trồng, Yên Mô còn chú trọng xây dựng các mô hình con nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm 2016, huyện xây dựng mô hình ao nổi ở xã Yên Thái và Yên Thắng (với quy mô 5 ha) để thâm canh nuôi thủy sản. Bước đầu cho thấy mô hình rất phù hợp với đồng đất của huyện, do sau tầng canh tác mỏng là đất sét, chua nên nếu làm ao truyền thống thì nước ao sẽ bị chua, thời gian cải tạo dài, thâm canh thủy sản rất khó, hiệu quả kinh tế không cao. Đến nay toàn huyện đã phát triển thêm ở 35 ha ao nổi các xã Yên Hòa, Yên Đồng, Khánh Thượng, nhiều hộ đã thu hoạch trên 600 triệu đồng/ha từ mô hình. Thành công của mô hình cũng mở ra triển vọng lớn ở các xã đồng chiêm và có thể thay thế loại hình canh tác cá-lúa.
Để tổ chức sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, huyện phối hợp với các xã vận động các hộ có vốn, kinh nghiệm, năng lực tổ chức sản xuất tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất lớn. Đến nay, một số hộ có diện tích lớn như: hộ ông Thiện (xã Yên Mạc) có 10 ha làm ao nuôi, hộ ông Lư ở xã Mai Sơn đã thuê, mua 5 ha để trồng cây trái vụ, hộ ông Bàn ở thị trấn Yên Thịnh thuê 2,5 ha đất chuyên trồng rau, quả an toàn. Ngoài ra, ở hầu hềt các xã, thị trấn đều có hộ tích tụ ruộng đất từ 2 ha/hộ trở lên để sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết thêm: Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm, Phòng đang tiếp tục phối hợp với các xã và các đơn vị của Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai thực hiện 11 mô hình tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: nuôi ốc hột ở xã Mai Sơn, nuôi lợn rừng ở xã Yên Thái, Yên Đồng; chuối - cá ở xã Yên Mỹ, ao nổi thâm canh cá trắm ở xã Yên Thành, 4 vụ ở xã Yên Thái, nhất là mô hình tưới tiết kiệm nước với quy mô 18 ha ở xã Khánh Dương.
Với những kết quả đạt được trong xây dựng các mô hình cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao thời gian vừa qua, và với sự năng động, dám nghĩ, dám làm cùng những "cơ chế mở", ngành nông nghiệp huyện Yên Mô sẽ tiếp tục có bước tiến dài trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Mai Lan